Xã hội

Vụ gần 600 loại sữa giả: Vì sao việc quy trách nhiệm trở nên mơ hồ?

Tóm tắt:
  • Vụ 600 loại sữa giả lộ rõ sự chồng chéo, thiếu thống nhất trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương và chính quyền địa phương.
  • Đại biểu Nguyễn Như So đề xuất rõ ràng vai trò chủ trì và phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm.
  • Vụ việc phản ánh lỗ hổng hệ thống do cơ chế hậu kiểm yếu và thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
  • Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can trong đường dây sản xuất và buôn bán 573 loại sữa giả với doanh thu gần 500 tỉ đồng.
  • Cần sửa luật để xây dựng cơ chế quản lý đồng bộ, minh bạch, có trách nhiệm và chế tài mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chiều 6.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Vụ gần 600 lọai sữa giả và trách nhiệm của Bộ Y tế cần được làm rõ - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So nêu ý kiến về vụ gần 600 loại sữa giả bán trên thị trường nhưng việc quy trách nhiệm lại rất "mơ hồ"

ẢNH: GIA HÂN

Vụ 600 loại sữa giả là dấu hiệu những lỗ hổng hệ thống

Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh), Chủ tịch Công ty DABACO Việt Nam, đề nghị quy định minh bạch, phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành theo lĩnh vực, tránh chồng chéo, buông lỏng quản lý hoặc bỏ trống trách nhiệm.

Đại biểu cũng đề nghị cần thiết lập rõ vai trò chủ trì và cơ chế phối hợp liên ngành một cách hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Đại biểu cho rằng, vụ việc gần 600 loại sữa giả được sản xuất và lưu hành công khai trong suốt 4 năm qua đã phơi bày rõ nét sự buông lỏng và thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Theo ông, đây không chỉ là vụ việc cá biệt mà là dấu hiệu cho thấy những lỗ hổng mang tính hệ thống trong thiết kế chính sách và tổ chức thực thi.

Ông phân tích, cơ chế hậu kiểm rõ ràng là định hướng đúng đắn, phù hợp thông lệ quốc tế và chủ trương cải cách thủ tục hành chính, song khi thiếu năng lực hậu kiểm, thiếu cơ chế phối hợp, thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước thì cơ chế này trở thành kẽ hở để lợi dụng, né tránh trách nhiệm pháp lý và kiểm soát chất lượng.

"Trong vụ việc trên, sự chồng chéo, phân tán và thiếu thống nhất trong phân công trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương, chính quyền địa phương... khiến cho không có một cơ quan nào thực sự chịu trách nhiệm toàn diện", đại biểu Nguyễn Như So nêu rõ và nhấn mạnh: "Khi hậu quả xảy ra việc quy trách nhiệm trở nên mơ hồ vì tất cả đều liên quan nhưng không ai là đầu mối chịu trách nhiệm cuối cùng, dẫn đến tình trạng đùn đẩy, đá bóng trách nhiệm".

Cần giải quyết tận gốc các vụ sữa giả bằng cơ chế quản lý rõ ràng

Từ đó, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, việc sửa đổi luật cần giải quyết tận gốc vấn đề này bằng cách thiết lập rõ mô hình quản lý, trong đó quy định cụ thể cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp liên ngành, trách nhiệm hậu kiểm gắn với chế tài thực thi đủ mạnh.

"Chỉ khi xây dựng được cơ chế quản lý đồng bộ, rõ ràng và có tính ràng buộc cao thì chất lượng sản phẩm, hàng hóa mới thực sự được kiểm soát và quyền lợi người tiêu dùng mới được bảo đảm", đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 15.4 vừa qua, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai.

Theo điều tra của công an, 573 loại sữa giả đã được đường dây này sản xuất, bán ra thị trường trong suốt 4 năm qua, thu về gần 500 tỉ đồng.

Theo cơ quan chức năng, một trong những thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là lợi dụng quy định về việc doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi sản phẩm lưu hành.

Cơ quan công an cũng cho biết, bên cạnh việc làm rõ sai phạm của các bị can, sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy định trong quản lý an toàn, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hạn chế các kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng nhằm thực hiện hành vi vi phạm.

Bộ Công thương nói không thuộc đối tượng quản lý của bộ này vì sữa có vi chất dinh dưỡng là do Bộ Y tế quản lý. Còn Bộ Y tế thì nói việc này thực hiện theo quy trình "hậu kiểm" và "đã giao phần lớn về địa phương quản lý".

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt tăng

Vào lúc 9h30 sáng nay (8/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 120,7 - 122,7 triệu đồng/lượng, tăng nửa triệu đồng/lượng so với trước giờ mở cửa phiên giao dịch.

Dự án đường Hồ Chí Minh qua 4 tỉnh phía Nam vừa "lỡ hẹn" về đích

Công trình đường Hồ Chí Minh nối các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An có chiều dài gần 73km, vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Dự kiến đường cho thông xe kỹ thuật vào dịp lễ 30/4 nhưng đã lỡ hẹn do địa phương vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

PepsiCo công bố danh sách các công ty lọt vào vòng chung kết "Greenhouse Accelerator 2025"

Trong tháng 4 năm 2025, PepsiCo vừa công bố danh sách 10 công ty khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết Chương trình Greenhouse Accelerator mùa thứ ba tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một nước đi táo bạo nhằm đẩy nhanh sự đổi mới trong các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu.

Cổ phiếu Novaland tăng trần

Cổ phiếu Novaland (NVL) hôm nay tăng hết biên độ lên 12.250 đồng, vùng giá cao nhất 8 tháng, khi nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng gom hàng.