Chia sẻ trong hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập tỉnh Bình Dương, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khằng định: "Bình Dương là một kỳ tích của Việt Nam về phát triển kinh tế, công nghiệp hoá". Dù xuất phát là tỉnh thuần nông, nghèo, điều kiện phát triển khó khăn, nhưng sau hai thập kỷ, Bình Dương đã bứt phá thành công, xác lập những "kỳ tích" về phát triển kinh tế, xã hội.
Theo đó, Bình Dương đứng thứ hai trong thu hút FDI, thu nội địa đứng thứ ba cả nước, Top 5 địa phương đóng góp ngân sách Trung ương. Tỉnh hiện không còn hộ nghèo theo tiêu chí cả nước, là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất; đứng thứ 6/63 tỉnh, thành trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.
Động lực hậu thuẫn cho sự phát triển của Bình Dương, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, là sự hình thành và phát triển của khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) từ 26 năm trước. Dự án phát triển bởi liên doanh liên kết giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC Corp) và liên minh nhà đầu tư Singapore do Tập đoàn Sembcorp Development dẫn đầu.
Từ cái nôi thủ phủ công nghiệp miền Nam
Tháng 5/1996, lễ khởi công VSIP I - Bình Dương đã diễn ra, dưới sự chứng kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong.
Không lâu sau ngày thành lập, đợt suy thoái tài chính khắp châu Á diễn ra, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp chững lại. Song thay vì lựa chọn trì hoãn dự án, các đối tác trong liên doanh quyết tâm đẩy mạnh xây dựng quy trình hoạt động phù hợp thực tế, đầu tư đào tạo nhân lực; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hoàn thiện. Các tiêu chuẩn phục vụ cho sản xuất công nghiệp cùng những dịch vụ tiện ích được triển khai, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngay khi kinh tế hồi phục.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng tạo đà bứt phá mạnh mẽ. Năm 2000, thu hút đầu tư vào VSIP I có nhiều biến chuyển. Từ năm 2002, trung bình mỗi năm VSIP I thu hút khoảng 30 dự án, là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Năm 2006, dự án VSIP II - Bình Dương 345ha được khởi công xây dựng. Ngay sau đó, năm 2008, VSIP II mở rộng thêm 1.700ha, nâng tổng diện tích toàn khu lên 2.045ha. Gần đây nhất, Bình Dương đón nhận thêm Khu công nghiệp VSIP III - Bình Dương 1.000ha năm 2022. Ba dự án VSIP tại "thủ phủ công nghiệp" miền Nam đã thu hút 584 dự án, với tổng vốn đầu tư 8,3 tỷ USD, tạo ra gần 150.000 việc làm.
"Becamex, Sembcorp và các đối tác đã cùng nhau thực hiện những công việc chưa hề có tiền lệ, với câu hỏi thôi thúc mỗi ngày: Phải làm gì để liên doanh VSIP phát triển hiệu quả, để góp phần vào công cuộc xây dựng Bình Dương, đóng góp vào tiến trình phát triển chung của cả nước", ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, đồng chủ tịch VSIP Group chia sẻ.
Mở rộng ra các tỉnh thành miền Bắc
Có vị trí địa lý gần giống như Bình Dương khi kế cận "đầu tàu" kinh tế của cả nước, Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương "thay da đổi thịt" nhờ sự hình thành của VSIP. Năm 2007, VSIP tiếp tục được khởi công tại Bắc Ninh. Dự án tọa lạc trên Quốc lộ 1, nối vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc với Trung Quốc; giáp ranh với Hà Nội.
VSIP Bắc Ninh có diện tích gần 700ha, trong đó 500ha dành cho việc phát triển khu công nghiệp sạch với các tiêu chí về tiêu chuẩn môi trường và công nghệ sản xuất. Gần 200ha diện tích gồm các dự án thương mại, khách sạn, siêu thị, trường học, văn phòng, khu thể thao, nhà ở, căn hộ chất lượng cao và các dự án nhà ở cho người lao động.
Sự xuất hiện của VSIP góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ..., trong đó có những tên tuổi lớn như: Microsoft, Suntory PepsiCo, Foster, Mapletree, Nittan...
Từ năm 2019, VSIP Bắc Ninh II được triển khai trên tổng diện tích hơn 273ha với tổng vốn gần 2.360 tỷ đồng. Khu công nghiệp được định hướng các loại hình công nghiệp sạch và công nghệ cao, dự kiến sớm đi vào hoạt động, cùng tỉnh Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022.
Tỉnh thành thứ ba có sự xuất hiện của VSIP là thành phố Hải Phòng. Dự án được triển khai năm 2010 trên quỹ đất hơn 1.500ha. Trong đó, 507ha đất khu công nghiệp, còn lại là đất xây dựng đô thị - dịch vụ.
Sau 12 năm hoạt động và phát triển, VSIP Hải Phòng trở thành điểm sáng thu hút giới đầu tư nước ngoài với 62 dự án và tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD. Sự hình thành của VSIP đã biến những cánh đồng lúa chiêm trũng kém năng suất của huyện Thủy Nguyên thành những nhà máy hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, khu công nghiệp cũng mang lại cơ hội việc làm cho 51.000 người lao động.
Ngoài Bắc Ninh và Hải Phòng, tại Hải Dương, Khu công nghiệp VSIP tọa lạc trên quỹ đất 150ha, tại xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng.
Lan tỏa ra khu vực miền Trung
Không chỉ mở rộng và lan tỏa sức ảnh hưởng tại khu vực miền Bắc và miền Nam, VSIP cũng có mặt tại nhiều tỉnh thành miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, Nghệ An, Bình Định, Quảng Trị.
VSIP Quảng Ngãi 915ha được khởi công năm 2013, thu hút các ngành công nghiệp chủ lực như thực phẩm - nước giải khát, các mặt hàng tiêu dùng nhanh, lắp ráp linh kiện điện tử và các ngành công nghiệp nhẹ phục vụ cho lĩnh vực dầu khí và hóa chất. Hiện có 29 nhà đầu tư cam kết triển khai dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 815 triệu USD.
VSIP Nghệ An 750ha khởi công năm 2015, là dự án lớn nhất được đầu tư tại Nghệ An tính đến nay. Tập đoàn đã thành công thu hút 30 dự án đầu tư vào đây, với khoảng 20 dự án đi vào hoạt động, 22.600 lao động địa phương đã có việc làm.
Cái tên mới xuất hiện trong bản đồ VSIP miền Trung là Bình Định, tọa lạc tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Dự án được khởi công từ tháng 9/2020, có tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự án với tên gọi Becamex VSIP Bình Định thuộc phân khu 7 Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích 1.425ha.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị cũng có quyết định về việc thành lập Khu công nghiệp Quảng Trị có sự đầu tư của VSIP tại huyện Hải Lăng, với tổng diện tích 481,2ha.
Chiến lược liên tục phát triển và mở rộng tại các tỉnh thành được cho là trợ lực mạnh mẽ cho ngành công nghiệp và kinh tế - xã hội mỗi địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng và đất nước.