Giữa năm ngoái, Odosa Iyamuosa, 28 tuổi sống tại Nigeria, đầu tư số tiền tiết kiệm 4.000 USD vào Terra Luna theo lời khuyên của một người bạn. Anh đã nghiên cứu kỹ đồng này và nhận ra nó có nhiều tiềm năng.
Giá Luna khi đó tăng mạnh nhờ thành công của token song hành là TerraUSD (UST). Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực tiền điện tử như Coinbase và Binance cũng đầu tư vào Luna.
Với Iyamuosa, Luna là niềm hy vọng để thoát khỏi Abuja, nơi có mức lương trung bình 2 USD/ngày. Anh đặt mục tiêu tăng khoản tiết kiệm lên 16.000 USD, tham gia khóa học phân tích dữ liệu tại một trường cao đẳng ở Canada, từ đó xin việc trong các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.
Trong vài tháng đầu, kế hoạch diễn ra suôn sẻ khi giá trị Luna đã tăng gấp đôi. "Tôi gửi tiền cho mẹ và anh chị em ruột. Tôi có thể ăn uống tử tế", anh nói.
Đến giữa tháng 5, giá trị của token này sụp đổ hoàn toàn. UST lao từ mức cố định một USD xuống chỉ còn 0,03 USD hôm 13/5. Trong khi đó, Luna cũng rơi thẳng đứng từ mức đỉnh hơn 100 USD về dưới 0,0002 USD. Cả hai mất tổng cộng 60 tỷ USD giá trị thị trường trong chớp nhoáng.
Iyamuosa cho biết, lượng tiền số trong ví của anh hiện có giá trị vỏn vẹn 0,03 USD. "Tôi không biết phải làm gì, cảm thấy không thiết sống", anh nói, nhưng khẳng định không hề có ý định tự tử.
Mức giá tăng vọt của các loại tiền số như Bitcoin, Ether và Dogecoin trong hai năm qua đã gây ra nỗi sợ bỏ lỡ cho nhiều người muốn kiếm lời trong thời gian ngắn. Cùng với đó là lời hứa hẹn về tài chính phi tập trung (DeFi), được cho là có thể mang đến lợi nhuận cao và rủi ro thấp, xóa bỏ những quy định cứng nhắc trong hệ thống tài chính truyền thống.
Thế nhưng giờ đây, mạng xã hội chứa đầy những câu chuyện từ các nhà đầu tư giống Iyamuosa. Tất cả đều thừa nhận đã mất sạch tiền tiết kiệm vì Luna. Thậm chí, Reddit phải ghim đường dây hỗ trợ tâm lý trên đầu chủ đề về Terra/Luna trong diễn đàn.
Sự sụp đổ của Luna và UST kéo theo hàng loạt tài sản ảo bị bán tháo, xóa sổ hơn 300 tỷ USD giá trị thị trường của nhiều loại tiền số trong giai đoạn ngày 7-13/5. Bitcoin từng đạt mức đỉnh 67.000 USD/đồng cuối năm ngoái, giờ chỉ còn một nửa giá trị. Toàn bộ thế giới tiền số trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.
Niềm tin lung lay
Đồng stablecoin UST được phát hành năm 2020, nhưng không thu hút sự chú ý cho đến tháng 3/2021. Lúc này, Do Kwon, nhà sáng lập Terra, bổ sung Anchor Protocol, một dạng ngân hàng được các nhà đầu tư sử dụng để thu lời đến 20% bằng cách cho vay tiền số Terra.
Nhiều người trong lĩnh vực tiền điện tử đánh giá con số 20% không bền vững, vì còn cao hơn so với các mức hứa hẹn trong nhiều phi vụ lừa đảo. Năm 2021, giá trị của Luna tăng hơn 100 lần và lượng UST tương đương gần 10 tỷ USD được tạo ra. Kwon tuyên bố Terra bất khả chiến bại và chê bai những người hoài nghi ý tưởng của mình.
Dù vậy, UST vẫn có điểm yếu. Nếu người dùng mất niềm tin với hệ thống, họ có thể bán tháo hoặc quy đổi tiền của mình, khiến những người khác theo chân vì lo sợ mất tiền.
Trên lý thuyết, hệ thống Terra có thể tạo thêm Luna cho những người muốn rút khỏi mạng lưới. Nhưng càng nhiều tiền được tạo ra, giá trị của Luna càng giảm, buộc hệ thống phải phát hành thêm tiền và làm trầm trọng hóa vấn đề. Điều này được các nhà kinh tế gọi là "vòng xoáy tử thần".
"Ý tưởng là tạo thêm Luna từ hư không để bảo đảm giá trị cho stablecoin. Điều đó không có tác dụng trong thực tế, không thể tạo ra tiền từ hư không được", Steven McClurg, Giám đốc đầu tư tại công ty Brentwood của Mỹ, nhận xét.
Khủng hoảng bắt đầu từ ngày 7/5. Luna lúc đó đang giảm dần giá trị theo xu thế chung của thị trường. Sau đó, một nhà đầu tư đã quy đổi một lượng lớn UST sang một đồng stablecoin cạnh tranh, khiến giá của UST giảm xuống chỉ còn 0,99 USD/đồng, dẫn tới đồn đoán rằng thuật toán cân bằng của Terra bị đe dọa.
Kwon có quỹ Bitcoin trị giá hàng tỷ USD để dự phòng và tự tin vào mức độ ổn định của Terra. Tuy nhiên, đà quy đổi UST tiếp tục diễn ra trong những ngày tiếp theo, buộc hệ thống Terra tạo ra thêm Luna.
Mức giá Luna vì thế sụt mạnh, đẩy hệ thống Terra lao vào vòng xoáy tử thần. Đến sáng 13/5, có tới hơn 6.500 tỷ Luna trên thị trường, khiến mỗi đồng chỉ còn giá 0.00001834 USD. Trong khi đó, UST còn chưa đầy 0,2 USD/đồng.
Iyamuosa vẫn không thể tin những gì đã xảy ra suốt một tuần sau sự sụp đổ của UST và Luna. Trong ví người đàn ông Nigeria này còn khoảng 20 USD. Anh vẫn lướt Twitter và Discord hàng ngày để tìm kiếm các dự án tiền số có thể bù lại khoản tiền đã mất. Giấc mơ đến Canada dường như đã nằm ngoài tầm với.
"Không còn gì cho tôi. Tôi không biết nữa, không còn công việc hay bất kỳ thứ gì cho tôi", Iyamuosa nói.
Một số nhà đầu tư nói họ luôn chuẩn bị tâm lý cho sự biến động của thị trường, nhưng chưa bao giờ hình dung đến sự sụp đổ chóng mặt như vậy.
Senior Bernier, nhà thầu xây dựng 24 tuổi tại Canada, cho biết đã mất 250.000 USD. "Tôi luôn tin tưởng Do Kwon. Cảm giác giống như tận mắt nhìn ngôi nhà của mình bị thiêu rụi", anh nói.
Thị trường tiền số đang ổn định trở lại. Tether, loại stablecoin phổ biến nhất hiện nay, giảm xuống dưới một USD nhưng hiện đã phục hồi. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Terra đang thúc đẩy việc thiết lập các quy định cho stablecoin ở Mỹ, Anh và Hàn Quốc.
Ngày 19/5, trên diễn đàn Reddit, tỷ phú Bill Gates cũng cho biết ông không sở hữu tiền điện tử vì giá trị của nó là "thứ mà mọi người quyết định trả giá cho nhau", cũng như "tăng hoặc giảm dựa trên cảm xúc hoặc quan điểm của bất kỳ ai", nên không mang lại điều gì cho xã hội.
Trong khi đó, giới quản lý cho rằng cú sập như Terra có thể đặt ra nhiều nguy cơ với hệ thống tài chính lớn nếu tiền số và hệ sinh thái DeFi tiếp tục phát triển. "Nhiều người nghĩ stablecoin sẽ ổn định như USD, nhưng giờ họ nhận ra điều này không chính xác", Rohit Chopra, Giám đốc Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ, nói.
(theo Bloomberg)