Phản hồi đề nghị của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) về việc hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đồng thời, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các quy định liên quan đến việc xác nhận kiến thức cho người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp bán hàng đa cấp như dự thảo đã bổ sung là rất cần thiết và đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung một số giải pháp để khắc phục những điểm còn bất cập và chưa hợp lý.
Cụ thể như, việc tổ chức kiểm tra kiến thức cho người đại diện tại địa phương. Dự thảo đưa ra 2 phương án là giao cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thực hiện hoặc giao cho Cục và Sở Công Thương các địa phương cùng thực hiện. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, VCCI thấy rằng nên trao đồng thời cho cả Cục và Sở Công Thương các địa phương cùng tiến hành sẽ đảm bảo lợi ích hơn cả.
Đầu tiên là có thể giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Người đại diện ở địa phương thường có mặt ở 60 tỉnh, thành phố còn lại (trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là trụ sở của đa phần các doanh nghiệp). Việc tập hợp các nhân sự từ tất cả 60 tỉnh, thành phố về một địa điểm dự thi sẽ gây tốn kém của doanh nghiệp rất nhiều chi phí cho mỗi lần cử nhân sự tham gia.
Với mức độ khó như bài kiểm tra kiến thức pháp luật cho đào tạo viên, với chỉ khoảng 5% người đạt điều kiện chi phí cho hoạt động này sẽ bị nhân lên hàng chục lần để doanh nghiệp có thể đủ người đại diện địa phương theo yêu cầu.
Thêm nữa, có thể giúp tăng tần suất các đợt kiểm tra kiến thức pháp luật vì theo phản ánh của doanh nghiệp, các cuộc kiểm tra kiến thức pháp luật với đào tạo việc được tổ chức tương đối ít, chỉ khoảng 3 - 4 lần/năm, do sự hạn chế về nguồn lực của Cục. Do vậy, việc trao quyền cho cả Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cùng Sở Công Thương là hợp lý và sẽ giúp tăng thêm nguồn lực, từ đó tăng tần suất các đợt kiểm tra.
Quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp cũng cần được xem xét lại ở những điểm: Đó là cần lên kế hoạch về thời gian, địa điểm, phương thức kiểm tra; nhất là việc thông báo thông tin cho người dự thi để tránh gây ra sự bị động cho cả doanh nghiệp quản lý và người dự thi. Ngoài ra, quy trình không cho phép người dự thi được quyền phúc khảo kết quả thi, không có cơ hội cho người dự thi yêu cầu xem xét lại kết quả bài thi của mình.
Quy trình như vậy chưa thực sự đảm bảo quyền lợi của người dự thi. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy trình phúc khảo kết quả thi; đồng thời, bổ sung quy định về việc thông báo cho người dự thi trước một khoảng thời gian hợp lý.
Dự thảo còn quy định các trường hợp bị thu hồi giấy xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp đối với những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động hay người được cấp xác nhận nhưng chấm dứt hợp đồng lao động, chấm dứt làm đại diện địa phương hoặc không còn là đào tạo viên với doanh nghiệp bán hàng đa cấp...
Như vậy là không hợp lý vì cá nhân là người tham gia thực hiện bài kiểm tra. Việc xác nhận thể hiện sự công nhận về năng lực của chính cá nhân đó đáp ứng yêu cầu của cơ quan Nhà nước. Năng lực này gắn liền với chính cá nhân đó, dù có làm việc cho doanh nghiệp hiện tại hay không, vẫn đáp ứng đủ theo quy định của pháp luật.
Quy định như trong dự thảo có thể hạn chế quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan đã tổ chức kỳ kiểm tra chỉ thu hồi giấy xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp khi phát hiện hồ sơ đăng ký kiểm tra của người được cấp xác nhận có thông tin gian dối hoặc các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp phép theo quy định của pháp luật.