Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong nửa cuối năm
Theo báo cáo Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Chứng khoán VNDirect ước tính tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ chậm lại trong nửa cuối năm và đạt 13,5%/17% trong năm 2022-2023.
Tuy vậy, các chuyên gia của VNDirect vẫn cho rằng lợi nhuận ròng của ngân hàng dự kiến vẫn tăng trưởng tốt 25%/18% nhờ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) ổn định (5,6% và tỷ lệ chi phí tín dụng giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc IPO công ty chứng khoán dự kiến sẽ là trợ lực cho cổ phiếu TCB.
Bên cạnh đó, chuyên gia VNDirect dự báo thu nhập từ phí tăng 20% so với cùng kỳ trong năm 2022-2023 (từ mức 30% dự phóng trước đó), chủ yếu nhờ phí dịch vụ thanh toán và bảo hiểm. Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư sẽ khó tăng mạnh do ảnh hưởng bởi những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đây cũng là nguyên nhân các chuyên gia giảm dự phóng thu nhập từ phí trong năm 2022.
Cho vay mua nhà là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho vay bán lẻ
Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngân hàng đang tích cực chuyển dịch mạnh mẽ sang cho vay cá nhân nhằm cân bằng rủi ro.
Các khoản cho vay mua nhà là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho vay bán lẻ của Techcombank với mức tăng 28,8% so với đầu năm, chiếm 82% cơ cấu cho vay từ mức 78% vào cuối năm 2021. Bên cạnh đó, thẻ tín dụng cũng ghi nhận kết quả tốt khi tăng 22,5% so với đầu năm, chiếm 7% trong cơ cấu cho vay.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng đa dạng hóa danh mục đã giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro tín dụng cũng như chất lượng tài sản. Hơn nữa, nhờ chuyển đổi kịp thời sang phân khúc cho vay cá nhân, một phân khúc có lợi suất tốt hơn so với cho vay doanh nghiệp, ngân hàng đã bảo toàn được lợi suất tài sản của mình và vượt qua những khó khăn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, từ đó duy trì NIM, tăng trưởng lợi nhuận và khả năng sinh lời tốt như đã được chứng minh trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của ngân hàng.
Tính đến cuối quý II/2022, tài sản sinh lãi của Techcombank tăng 7,8% so với đầu năm, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giảm 21,4% so với đầu năm, cho vay cá nhân tăng 12,8% so với đầu năm (69% so với 66% cuối 2021).
Trong cơ cấu cho vay, cho vay bán lẻ đã tăng 26,8% so với đầu năm (chiếm 52,4% vào cuối quý II/2022 so với 46,6% cuối 2021) trong khi các doanh nghiệp vừa & nhỏ và doanh nghiệp lớn chỉ lần lượt tăng 7,7% so với đầu năm và giảm 3,4% so với đầu năm.