Chứng khoán

Tăng trưởng kinh tế ổn định tạo động lực cho chứng khoán Việt Nam trong dài hạn

Sau những biến động mạnh, VN-Index dường như đã tìm được điểm cân bằng trước những tín hiệu phục hồi tích cực. Dù chưa thể lấy lại những gì đã mất, nhưng trong tháng 8 VN-Index cũng đã có sự phục hồi đáng kể khi tăng hơn 74 điểm, tương ứng 6,15% so với thời điểm cuối tháng 7. Vậy triển vọng nào cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới?

Định giá hấp dẫn

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích chiến lược Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, đối với thị trường trong ngắn hạn cần nhìn nhận dựa trên hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất là về định giá, PE forword của Việt nam đang ở ngưỡng khá rẻ, đâu đó quanh ngưỡng từ 12-13 lần. Đây cũng là mức P/E thấp nhất so với  các nước trong khu vực. Nếu so sánh P/E so với quá khứ, có thời điểm chỉ số này rơi về vùng định giá tháng 4/2020 khi đại dịch bắt đầu bùng phát, tương đương ngưỡng 9-11 lần. Với những nhịp hồi phục của thị trường trong thời gian gần đây, P/E đã tăng lên song mức định giá vẫn hấp dẫn so với quá khứ.

Cũng liên quan đến định giá, xét về các nhóm ngành, chuyên gia cho rằng chỉ có 4/19 ngành có sự tăng trưởng về giá cổ phiếu trong 8 tháng đầu năm, trong khi có đến 14/19 có sự tăng trưởng về lợi nhuận. Như vậy, mâu thuẫn ở đây là nhiều nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhưng giá cổ phiếu lại không tăng. Để giải quyết sự mâu thuẫn này sẽ có 2 kịch bản xảy ra (1) giá sẽ phải điều chỉnh phải tăng mạnh trở lại để phù hợp với sự tăng trưởng trong lợi nhuận (2) lợi nhuận trong quý 3 và quý 4/2022 của các doanh nghiệp có thể sẽ giảm thực sự mạnh để phù hợp với diễn biến tiêu cực trong giá.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng kịch bản khả dĩ nhất là giá cổ phiếu sẽ phải tăng trưởng mạnh trong thời gian tới để phù hợp với việc lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn đang tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng trong năm 2022.

Thứ hai là dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chảy mạnh vào Việt Nam. Sau thời gian mạnh tay bán ròng, đến tháng 4/2022 trở lại đây thì khối ngoại họ bắt đầu mua ròng trở lại và họ mua tới 11 nghìn tỷ. Đặc biệt, dòng vốn của các quý ETF cũng đang chảy khá mạnh vào Việt Nam, trong khi bán ròng mạnh tại một số thị trường khác như Indonesia, Thái Lan. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam đang có tiềm năng khá tốt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Dựa trên hai yếu tố đó, ông Hiếu cho rằng thời gian tới thị trường Việt Nam sẽ có động lực tăng trưởng trong ngắn hạn. Thanh khoản cải thiện theo xu hướng hồi phục của thị trường. Hiện, thanh khoản đang được cải thiện từ đáy và duy trì ở mức ổn định. Thanh khoản ở mức thấp là một trong những tín hiệu kỹ thuật quan trọng cho thấy thị trường đã hình thành mô hình đáy.

Động lực nào cho thị trường trung và dài hạn?

Dưới góc nhìn dài hạn, ông Trần Trương Mạnh Hiếu cũng cho rằng có nhiều yếu tố vĩ mô quan trọng sẽ thúc đẩy thị trường. Xét về yếu tố vĩ mô, vị chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP quý 3 đạt trên ngưỡng 10%, thuộc top đầu trên thế giới. Việc tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

Một yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán là việc giải ngân đầu tư công. Nhiều nhà đầu tư thấy khá quan ngại về tiến độ giải ngân đầu tư công, bởi trong 7 tháng đầu năm 2022 con số giải ngân vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc giải ngân đầu tư công vẫn duy trì ở mức tốt và tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2021. Việc số giải ngân thấp hơn so với kế hoạch đề ra là bởi vì con số kế hoạch năm 2022 tăng 20% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể nhìn thấy rằng nợ công trên GDP của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trên khu vực. Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam có thể tiến hành tăng vay nợ để có thể hỗ trợ một số những chính sách tiền tệ, tài khóa. Đặc biệt, một số chính sách tài khóa mà chính phủ Việt Nam đang tập trung khá là nhiều đó là đầu tư công để hoàn thiện cơ sở hạn tầng thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Do đó, việc nợ công của Việt Nam ở mức thấp như ở thời điểm hiện tại quanh đâu đó mức 40% thì đây là một trong những dư địa khá tốt để Việt Nam có thể vay thêm nợ để hỗ trợ việc đầu tư công.

Mặt khác, kho bạc nhà nước đang tích cực phát hành trái phiếu trong những tuần trở lại đây cũng là tín hiệu tích cực cho đầu tư công. Cụ thể, tỷ lệ phát hành trái phiếu của kho bạc nhà nước đang ở mức khá cao đâu đó trên khoảng 70%, trong khi đó con số này ở trong những tháng trước đây chỉ khoảng 30-40%. Việc Chính phủ đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tập trung huy động những nguồn lực để phục vụ một số những chính sách, cụ thể là đầu tư công.

Do đó, chuyên gia cho rằng 4 tháng cuối năm Chính phủ sẽ tăng đầu tư công và điều này cũng là động lực cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm