Tài chính

VNDirect: Fed tăng lãi suất có thể gây tác động lớn đến kinh tế Việt Nam, lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng

 Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nguồn ảnh: AP

Mới đây, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 1,5% đến 1,75%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Theo báo cáo vĩ mô của VNDirect Research, quyết định này sẽ có những tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Tính đến cuối tháng 5/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hành quốc doanh không đổi so với năm 2021, trong khi đó lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân tăng lần lượt 20 điểm cơ bản và 23 điểm cơ bản so với cuối năm 2021.

Vì vậy, các chuyên gia của VNDirect dự báo đến cuối năm 2022, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng do lãi suất tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm nay.

 

Bên cạnh đó, đồng USD mạnh có thể gây áp lực lên tỷ giá hối đoái Việt Nam. Đồng USD mạnh kéo tỷ giá USD/VND tăng 1,7% kể từ đầu năm. Tuy nhiên, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực.

VNDirect kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm và tỷ giá USD/VND tăng không quá 2% trong cả năm 2022 do giải ngân FDI tăng trưởng ổn định và nguồn kiều hối dồi dào đóng góp ổn định vào thị trường ngoại hối.

Với việc FED đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất đề kiềm chế lạm phát, các chuyên gia cho rằng dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì chính sách tiền tệ ngày một thu hẹp. NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, chưa vội thắt chặt chính sách ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường.

Nguyên nhân là NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2.5% và nhu cầu trong nước vẫn yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch.

 

Các chuyên gia kỳ vọng NHNN sẽ cho phép tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế với dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đồng thời kiểm soát kỹ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT.

Về lãi suất cho vay, gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022.

Tuy nhiên, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp hơn nếu các NHTM tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm