Tài chính

VND mất giá tác động ra sao tới các doanh nghiệp?

Tỷ giá tăng nóng không phải là bất thường

Trong những ngày sau Tết Nguyên đán, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do liên tục tăng lên. Trong đó, tỷ giá tại ngân hàng đã tiến sát mức đỉnh ghi nhận vào tháng 10/2022, còn tỷ giá “chợ đen” đã phá vỡ kỷ lục khi tiến lên gần 25.700 VND/USD trong phiên 5/3.  

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Hà My, Chuyên gia phân tích vĩ mô tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng tỷ giá tăng nóng trong giai đoạn đầu năm 2024 không phải là điều bất thường bởi bối cảnh đầu năm nay khác với những năm trước.

Theo bà, dễ thấy rằng yếu tố gây áp lực lên tỷ giá vào cuối năm 2023 vẫn tiếp tục duy trì trong nửa đầu 2024, cụ thể là sức mạnh đồng USD. Chênh lệch lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng luôn là yếu tố kích hoạt ngầm đối với hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất. 

“Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải giai đoạn nào chênh lệch USD - VND cao thì tỷ giá cũng biến động mạnh. Tiền đồng thường thể hiện rõ biến động mất giá khi có nhu cầu USD lớn trong và ngoài hệ thống ngân hàng", vị này cho hay.

Tỷ giá tại NHTM tiến sát đỉnh năm 2022. (Ảnh: WiChart).

Cụ thể, nhu cầu USD trong hệ thống ngân hàng gắn với nhập khẩu tăng mạnh trở lại, còn trên thị trường tự do, biến động của tỷ giá thường song hành với giá vàng.

“Việc giá vàng thế giới tăng lên mức kỷ lục cùng với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục nới rộng khiến cho tỷ giá trên thị trường tự do tăng vọt”, bà nhận định. 

 

Cùng với đó, dù giải ngân FDI có tăng tốc so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với các tháng cuối năm 2023. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng đầu năm nay cũng không mấy khả quan khi dòng tiền ròng của nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán là âm. 

VND mất giá tác động ra sao tới doanh nghiệp?

Theo chuyên gia của VDSC, biến động tỷ giá là vấn đề ngắn hạn, chủ yếu ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy rõ nhất rằng khi đồng tiền mất giá, nhóm doanh nghiệp vay nợ bằng USD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Với các doanh nghiệp xuất khẩu hay nhập khẩu thì tác động của tỷ giá sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của họ trước rủi ro này.

Bà My cho hay từ đầu năm đến nay, tiền đồng mất giá khoảng 1,6 đến 1,8% trên thị trường chính thức, những biến động này đã được lường trước và nằm trong dự báo kinh doanh. 

Do đó, với kịch bản tỷ giá tăng ở mức vừa phải 2 -3 %, VDSC cho rằng tỷ giá sẽ không tác động quá lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nếu tỷ giá không giảm trở lại trong nửa cuối năm hoặc mức mất giá vượt biên độ 5% thì tác động sẽ khác. 

Vị này cũng nhấn mạnh rằng tác động của việc tiền đồng mất giá lên doanh nghiệp xuất khẩu không phải là một mối liên hệ rõ ràng được kiểm chứng. 

Chuyên gia trích dẫn một nghiên cứu vào năm 2022 của tác giả Gonzalo Valera (Ngân hàng Thế giới) cho biết bằng chứng thực nghiệm tại Pakistan chỉ ra rằng có độ trễ trong phản ứng của xuất khẩu đối với biến động tỷ giá. 

Nguyên nhân của độ trễ trên có thể đến từ sự bất cân xứng thông tin giữa nhà xuất khẩu và người mua dẫn đến việc giá bán có thể cạnh tranh hơn nhưng tìm người mua mới không dễ dàng; hoặc nhà xuất khẩu bị hạn chế trong việc ngay lập tức nâng cao năng lực cung ứng đơn hàng; hoặc nhà cung cấp quy mô nhỏ nên năng lực đàm phán giá thấp, không tận dụng được lợi thế đồng nội tệ mất giá.

Với việc Pakistan là quốc gia có sự tương đồng với Việt Nam với thế mạnh xuất khẩu một số mặt hàng như dệt may, da giày, gạo, đại diện của VDSC cho rằng kết quả của nghiên cứu này có thể áp dụng trong trường hợp của nước ta. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu thế giới còn yếu, lợi ích của nhà xuất khẩu đến từ việc mất giá có thể không rõ ràng. 

Ngoài ra, chuyên gia cũng lưu ý rằng việc đồng tiền các nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam cũng đều mất giá so với USD trong hai tháng đầu năm thì tỷ giá tăng mạnh đem lại lợi ích cho nhà xuất khẩu có thể không hợp lý. Theo quan sát của VDSC, xuất khẩu Việt Nam đang phục hồi chủ yếu nhờ mức nền thấp của năm ngoái và nhu cầu bên ngoài cải thiện nhẹ. 

VND không phải là đồng tiền mất giá mạnh nhất so với USD. THB: baht Thái Lan; MYR: ringgit Malaysia; KRW: won Hàn Quốc; CNY: nhân dân tệ; INR: rupee Ấn Độ; IDR: ringgit Indonesia; BDT: Bangladesh Taka.

VDSC cho rằng áp lực tỷ giá vẫn sẽ duy trì trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, vẫn có thể chờ đợi những cơn gió thuận lợi giúp cho tỷ giá USD - VND giảm trở lại trong nửa cuối năm có thể là triển vọng cắt giảm lãi suất từ Fed, nhu cầu vốn trong nước phục hồi giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND. 

Ngoài ra, triển vọng kinh tế Mỹ có thể sẽ không còn khả quan như giai đoạn đầu năm 2024 do tác động trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ, từ đó khiến cho đồng USD suy yếu trong nửa sau của năm 2024. VDSC cũng lưu ý kịch bản tỷ giá hiện vẫn chưa xem xét đến tác động của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm nay lên triển vọng đồng USD.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm