Phiên giao dịch cuối tuần 8-3, trong khi thị trường chứng khoán đỏ lửa, VN-Index giảm mạnh hơn 21 điểm, hàng trăm mã cổ phiếu bị chốt lời mạnh, trong đó có nhóm ngành ngân hàng (NH), mã NAB của NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) vẫn tăng mạnh 6,29% lên 16.900 đồng/cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên tại sàn TP HCM.
Thu hút dòng vốn mới
Nam A Bank là NH duy nhất được Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) chấp thuận đăng ký niêm yết trong năm 2023, gia nhập nhóm cổ phiếu ngành NH có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay.
Trong ngày NAB lên sàn, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nam A Bank, cho biết việc đưa hơn 1 tỉ cổ phiếu NAB lên sàn HoSE sẽ mở ra cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, thu hút thêm nguồn vốn mới, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng của NH trong thời gian tới.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 2023, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt hơn 3.300 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, thuộc tốp 12 NH tăng trưởng tốt nhất. Tổng tài sản đạt hơn 210.000 tỉ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm. Đặc biệt, tỉ lệ nợ xấu của NH này được kiểm soát chặt chẽ theo quy định của NH Nhà nước.
Đáng chú ý, trong lộ trình phát triển sau khi lên sàn, Nam A Bank đặt mục tiêu duy trì mức cổ tức tối thiểu từ 20% trở lên dựa trên mức lợi nhuận tăng trưởng khả quan hằng năm. Cụ thể, Nam A Bank dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt khoảng 4.000 tỉ đồng và năm 2025 sẽ tăng lên 5.000 tỉ đồng. "Việc duy trì tỉ lệ cổ tức 20% nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh trên thị trường cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tín dụng. NH sẽ tiếp tục triển khai nhiều chiến lược quan trọng với 2 trụ cột chính là NH xanh và NH số nhằm bảo đảm mục tiêu kinh doanh, mang lại giá trị lớn hơn cho cổ đông, khách hàng và đối tác" - ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, nói.
Nhận định về cơ hội của những cổ phiếu chuyển sàn, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), cho biết doanh nghiệp niêm yết chuyển sàn đi cùng với lộ trình và kế hoạch tăng trưởng trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội và sự nhận diện của nhà đầu tư tốt hơn. "Khi chuyển sàn, mức độ tiếp cận của nhà đầu tư với doanh nghiệp và cổ phiếu sẽ tốt hơn, thuận lợi trong việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, từ đó mô hình tăng trưởng phù hợp… Kết quả giao dịch của cổ phiếu trên sàn chính thức cũng thể hiện động lực kinh doanh của doanh nghiệp đó" - ông Trần Thăng Long nói.
Cơ hội vẫn còn
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, dù chỉ mới giao dịch phiên đầu tiên trên sàn HoSE nhưng NAB đã góp mặt trong nhóm những cổ phiếu NH vượt đỉnh lịch sử gồm: VCB, BID, ACB, HDB, MBB. Bởi, cổ phiếu NAB đã bắt đầu "nổi sóng" từ khi còn giao dịch trên sàn UpCoM.
Trở lại với nhóm cổ phiếu NH, dù nhóm này bị chốt lời mạnh trong tuần qua khiến VN-Index chốt tuần giảm hơn 10 điểm so với tuần trước nhưng theo các chuyên gia chứng khoán, việc cổ phiếu đã tăng liên tục từ 15%-25%, thậm chí 30% thì việc nhà đầu tư chốt lời là bình thường. Tuy nhiên, triển vọng trung và dài hạn của nhóm này vẫn còn tốt.
Ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng NH Quân đội (MB), đánh giá động lực tăng trưởng của ngành NH năm 2024 là khá lớn, đến từ sự hồi phục của nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng ở mức cao so với GDP (thường ở mức cao hơn gấp đôi), đặc biệt là tín dụng bán lẻ luôn cao hơn tăng trưởng của toàn ngành NH; thanh toán số tăng mạnh, bình quân khoảng 30%... là những động lực tăng trưởng cho các NH, trong đó có MB.
Năm 2023, lợi nhuận hợp nhất của MB đạt hơn 26.300 tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Về chất lượng tài sản, nếu nhìn theo quý thì MB đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất; các khoản nợ xấu đều được trích lập dự phòng tốt. Ông Lưu Hoài Sơn, Giám đốc Ban Kế hoạch và Marketing MB, cho biết trong năm nay NH này kỳ vọng sẽ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức 16% được giao. Trên nền tảng tăng trưởng như quý IV/2023, MB kỳ vọng lợi nhuận năm nay có thể đạt hơn 28.800 tỉ đồng dựa trên 3 động lực tăng trưởng lớn là bán lẻ, chuyển đổi số và hiệp lực tập đoàn.
TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính - Trường Đại học NH TP HCM, phân tích dù lãi suất huy động tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp dưới 5%/năm nhưng tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngành NH vẫn có xu hướng tăng hoặc giữ ổn định ở mức cao do tác động của công nghệ thanh toán và hành vi khách hàng. Do đó, với chi phí vốn thấp, cơ cấu cạnh tranh đặc thù giúp ngành NH duy trì biên lãi ròng (NIM) ở mức cao. "Lượng tiền gửi NH năm 2023 đạt mức kỷ lục (13,5 triệu tỉ đồng). Trong khi nhiều kênh đầu tư khác chưa phục hồi, còn chứng khoán lại đang có động lực từ mục tiêu nâng hạng vào năm 2025... Điều này giúp chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và trong đó, cổ phiếu NH được hưởng lợi nhiều nhất nhờ tỉ suất sinh lợi của nhóm này trong giai đoạn 2022-2023 cao hơn nhiều so với thị trường chung. Đây là những yếu tố hỗ trợ cổ phiếu ngành NH đi lên" - TS Nguyễn Anh Vũ nói.
Thực tế, dưới góc độ đầu tư, nhiều người đang có cái nhìn tích cực về nhóm cổ phiếu NH. Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ TP HCM) cho biết dù ông đã chốt lời phần lớn cổ phiếu NH song vẫn đang theo dõi sát nhóm cổ phiếu này. Theo ông, khi kinh tế hồi phục, tín dụng sẽ cải thiện, lợi nhuận NH tăng… tạo động lực đẩy giá cổ phiếu NH trong tương lai.
Hạn chế mua đuổi
Liên quan đến diễn biến thị trường chứng khoán, ông Võ Kim Phụng, Phó Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán BETA, nhận định thị trường có thể xuất hiện thêm những phiên "rung lắc", điều chỉnh kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng tăng bền vững hơn. Do vậy, trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần hạn chế mua đuổi, cần có kỷ luật và đa dạng danh mục để tránh rủi ro thua lỗ. Thay vào đó, cần ưu tiên phân bổ vốn vào doanh nghiệp, ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng cao trong năm nay tại những nhịp thị trường điều chỉnh.