Đóng cửa, VN-Index giảm 0,64 điểm (0,05%) về 1.204,97 điểm, HNX-Index giảm 0,3 điểm (0,13%) xuống 227,57 điểm, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (0,04%) về 88,33 điểm.
Trong phiên chiều, áp lực bán dâng cao ở nhiều nhóm ngành khiến VN-Index có thời điểm lùi sát về mốc 1.200 điểm. Dù vậy, lực cầu cuối phiên giúp chỉ số chính chỉ còn đỏ nhẹ cuối phiên, dừng chân tại mốc 1.204,97 điểm. Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, FPT, VCB, MWG, MSN, VIC, VNM là những trụ đỡ tích cực đóng góp điểm số tăng cho thị trường, ngược lại chỉ số bị kìm lại bởi TCB, BID, MBB, HPG và GAS.
Cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa với VBB, BVB, EIB, ABB, PGB, HDB, VCB, NAB, CTG, ... ghi nhận tăng điểm, trong khi EVF, TCB, OCB, KLB, MSB, MBB, VIB, LPB, VAB, NVB mất hơn 1% thị giá. Cổ phiếu bán lẻ trở thành điểm sáng trong phiên với MWG tăng 2,9% lên 53.800 đồng/cp.
Cùng chiều, MSN, FRT tăng lần lượt 1,8% và 1,3%. Một số mã thanh khoản thấp trong ngành thậm chí tăng hết biên độ như TW3, ARM, HKT, KSQ, HID, PIT, TCO. Sau phiên bùng nổ theo đà, nhà đầu tư tiếp tục chứng kiến một phiên giao dịch tương đối lình xình.
Mặc dù VN-Index ghi nhận mức giảm “có như không” nhưng số mã đỏ vẫn có phần áp đảo trên bảng điện. Sàn HOSE ghi nhận 293 mã giảm/166 mã xanh. Toàn thị trường ghi nhận 506 mã đỏ, 353 mã xanh và 220 mã đứng giá tham chiếu.
Trước diễn biến tâm lý e dè của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, thanh khoản đi xuống với tổng giá trị giao dịch toàn thị trưởng đạt gần 15.900 tỷ đồng, tương đương gần 655 triệu cổ phiếu được mua bán. Tính riêng trên HOSE, giá trị khớp lệnh giảm 28% so với phiên trước và hụt 40% so với mức trung bình 1 tháng gần đây.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 1,67 điểm (0,14%) về 1.203,94 điểm, HNX-Index giảm 1,46 điểm (0,64%) còn 226,41 điểm, UPCoM-Index giảm 0,38 điểm (0,43%) xuống 87,99 điểm.
Thị trường duy trì diễn biến phân hóa về cuối phiên sáng. Trên bảng điện, sắc đỏ chi phối với 517 mã giảm, 264 mã tăng và 175 mã đứng giá tham chiếu. Tính riêng trên HOSE, phe bán cũng áp đảo với 304 mã giảm/128 mã tăng. Việc thiếu vắng dòng dẫn dắt là nguyên nhân chính khiến thị trường dao động giằng co trong biên độ hẹp.
Về cuối phiên sáng, nhóm VN30 phân hóa mạnh với cổ phiếu FPT chỉ còn tăng 3% lên 123.700 đồng/cp, một số bluechip cũng hạ độ cao như SAB (+2,8%), MSN (+1,8%), MWG (+1,7%), VCB (+1,4%), BCM (+0,6%), VIC (+0,5%), VNM (0,5%), … Trong khi đó, VRE, CTG, VJC, TPB, TCB, SSI, MBB và HPG vẫn là những lực cản chính kèo lùi chỉ số.
Hầu hết cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép, dầu khí, chứng khoán, ... giao dịch kém sắc. Trong khi đó, nhóm công nghệ, viễn thông nỗ lực ngược dòng với nhiều mã tăng điểm như FPT, CMG, ELC, …
Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên hôm qua. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 284 triệu đơn vị, tướng ứng giá trị 7.250 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt gần 217 triệu đơn vị, tương ứng gần 5.670 tỷ đồng.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, trong thời gian giao dịch buổi sáng, nhóm này mua ròng gần hơn 400 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, tâm điểm rút vốn của nhóm này là MSN (45 tỷ đồng), CTG (20 tỷ đồng), GAS (17 tỷ đồng), VHM (12 tỷ đồng), SHB (7 tỷ đồng), …
Tính đến 9h40, VN-Index tăng 0,44 điểm (0,04%) lên 1.206,05 điểm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (0,35%) về 227,06 điểm, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (0,08%) xuống 88,3 điểm.
Sau phiên bùng nổ theo đà, VN-Index mở cửa phiên sáng nay xanh nhẹ trên ngưỡng tham chiếu. Sau khoảng 40 phút giao dịch đầu phiên, chỉ số chính sàn HOSE duy trì biến động lình xình trong biên độ hẹp với sự tranh chấp của hai phe mua – bán.
Nhóm vốn hóa lớn giao dịch phân hóa ngay đầu phiên với nỗ lực nâng đỡ được chứng kiến ở FPT (+4,2%), BCM (+1,7%), SAB (+1,3%), GVR (+1%), MSN (+0,7%), HDB (+0,4%), VCB (+0,4%) và GAS (+0,1%). Trong khi đó, VRE, CTG, PLX, SSI, HPG, VJC, … chịu áp lực điều chỉnh ngay sau phiên tăng mạnh trước đó.
Quan sát diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu viễn thông, công nghệ với sự dẫn dắt của FPT đang tác động tích cực nhất đến thị trường. Cùng nhiều, một số cổ phiếu nhóm bia và đồ uống, xây dựng & vật liệu, … giao dịch khởi sắc. Chiều ngược lại, áp lực bán tại họ ngân hàng, bất động sản, thép, … gây sức ép lên thị trường chung.
Tại thị trường quốc tế, đà phục hồi của chứng khoán Mỹ đã bị cản lại khi lợi suất trái phiếu vọt tăng trong phiên 24/4. Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 24/4, chỉ số S&P 500 đã nhích thêm 0,02% lên 5.072 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 43 điểm, tương đương 0,11% xuống 38.461 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,1%, chốt phiên với 15.713 điểm.