Sáng 25/4, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) và hai công ty thành viên Masan Consumer (MCH), Masan MEATLife (MML) đã đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Consumer of Things – Kết nối vạn nhu cầu”.
Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang tiết lộ Masan Group đã quyết định IPO CTCP Hàng tiêu dùng Masan Cosumer (Masan Consumer Holdings, MCH) trong thời gian tới. Trong năm nay, MSN đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 - 90.000 tỷ đồng (tương đương doanh thu thuần hợp nhất từ 230 đến 246 tỷ đồng mỗi ngày), tăng trưởng từ 7% - 15% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan dự kiến tăng gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
Trụ cột chiến lược của MSN trong năm 2024 sẽ tiếp tục tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận được thúc đẩy bởi các hoạt động kinh doanh tiêu dùng cốt lõi. Trong đó: Masan Consumer Holdings (MCH) sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, đồng thời duy trì mức lợi nhuận cao để đóng góp vào tổng lợi nhuận của MSN.
Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu thu hơn 240 tỷ đồng mỗi ngày trong năm 2024
WinCommerce (WCM) tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận bằng cách thúc đẩy tăng trưởng LFL và cải thiện hơn nữa biên lợi nhuận gộp thông qua việc đẩy mạnh chiến lược nhãn hàng riêng, tối ưu hóa chi phí logistics và giảm hao hụt.
Song song đó, MSN định hướng giảm đòn bẩy để cải thiện bảng cân đối kế toán, giảm lợi ích ở các mảng kinh doanh không cốt lõi, đồng lời duy trì chiến lược phân bổ vốn thận trọng.
Trong năm 2024, The CrownX (TCX) dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 63.000 đến 68.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 9% đến 18% so với năm 2023. WinCommerce (WCM) dự kiến đạt doanh thu thuần từ 32.500 đến 34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt so với cùng kỳ từ 8% đến 13%.
Doanh thu thuần của Masan Consumer Holdings (MCH) dự kiến đạt từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng trong năm 2024, với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc gia đình, cá nhân. Bên cạnh các sản phẩm, ngành kinh doanh chủ chốt, MCH còn đang phát triển các năng lực và quy trình đổi mới nhằm hoàn thiện danh mục FMCG trong tương lai.
Phúc Long Heritage (PLH) dự kiến đạt 1.790 đến 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% đến 41% so với cùng kỳ. PLH dự kiến mở từ 30 đến 60 cửa hàng mới ngoài WCM tập trung vào Hà Nội và TP.HCM.
Masan MEATLife (MML) dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 7.100 và 7.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2% đến 12% so với cùng kỳ nhờ tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh thịt chế biến và giảm quy mô trang trại chăn nuôi gà. Trong đó, doanh thu từ mảng thịt lợn có thương hiệu và thịt chế biến dự kiến tăng trưởng lần lượt từ 15% đến 28% và từ 12% đến 33% so với cùng kỳ.
Masan High-Tech Materials (MHT) dự kiến đạt doanh thu thuần từ 15.000 đến 15.800 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 6% đến 12% so với cùng kỳ. MHT thuê nhà thầu nổ mìn mới đưa vào hoạt động trong quý 1/2024. Trọng tâm của MHT là thực hiện các hoạt động tối ưu hóa chi phí, đặc biệt là trong hoạt động vận hành, thu mua, đồng thời giảm đòn bẩy tài chính.
Về kế hoạch huy động vốn, Masan dự kiến phát hành thêm tối đa 10% số cổ phiếu đang lưu hành cho mục đích chào bán cho cổ đông chiến lược với giá không thấp hơn giá trị sổ sách. Thời gian dự kiến trong năm 2024 hoặc trước thềm họp ĐHĐCĐ năm 2025.
Công ty trình cổ đông 2 phương án: Một là chào bán cổ phần phổ thông riêng lẻ; hoặc chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức. Với phương án bán cổ phần ưu đãi cổ tức, nhà đầu tư sẽ nhận 0% trong 6 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Từ năm thứ 7, cổ tức cổ định là 10%/năm. Ngoài phần cố định, cổ phần ưu đãi vẫn nhận thêm cổ tức bằng với cổ phần phổ thông (nếu có).