Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức sáng ngày 25/4, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỉ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Do đó, NHNN cũng đặt vấn đề quản lý tỉ giá và điều hành trong thời gian tới.
"Chúng ta ổn định tỉ giá, chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm", lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.
Theo ông Tú, NHNN đã có những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên như điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa, điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỉ giá và tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu.
Lãnh đạo NHNN cho biết, điều hành tỉ giá trung tâm để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ. NHNN đã đẩy mạnh các công cụ để có lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và biện pháp cuối cùng là mang tính chất hành chính, khi buộc phải bán ngoại tệ. Dù mới chỉ là bước đầu sẵn sàng bán ngoại tệ.
"Rất mong các doanh nghiệp và nền kinh tế cũng không nên kỳ vọng, găm giữ, đầu tư ngoại tệ để có thể tạo ra những áp lực trạng thái cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế, để các DN, NHTM cùng thực hiện hiện tốt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế", ông Tú nói.
Đánh giá về diễn biến tỉ giá, Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua đang có những dao động và VNĐ cũng chấp nhận mất giá so với đầu năm. Năm 2023, VNĐ mất giá khoảng 2,6% nhưng so với các nước xung quanh, việc giữ được mức này là rất nỗ lực.
Theo ông Tú, tại Họp báo đầu năm 2024, NHNN có thông tin trong trường hợp cần thiết để ổn định tỉ giá sẽ dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bán can thiệp. Đến nay, tỉ giá trung tâm giảm còn 4,8% so với năm 2023. Dù vậy, mức mất giá này vẫn là tích cực so với nhiều thị trường như Đài Loan (Trung Quốc) 5,96%; Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ đều mất giá cao hơn nhiều…
"Do độ mở của nền kinh tế nên việc điều hành tỉ giá lúc này rất quan trọng, NHNN sẽ điều hành tỉ giá một cách hợp lý", Phó Thống đốc nói.
Ông Tú cho biết, NHNN kỳ vọng FED hạ lãi suất nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính sách. USD tăng giá đang ở mức cao nhất từ xưa tới nay. Tình trạng giảm cầu đầu tư, chính sách bảo hộ của các nước lớn. Cầu tiêu dùng của thế giới cũng giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu của DN Việt Nam; logistics vận chuyển đẩy giá thành sản phẩm cao; nguyên liệu hàng hóa của các nước bị ảnh hưởng; tâm lý lo sợ căng thẳng xung đột ở khu vực Trung Đông khiến giá vàng nhảy vọt. Chưa bao giờ giá vàng thế giới lên vượt 2.400 USD/ounce… đã tác động tới tỉ giá và tác động trực tiếp tới DN xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, lãi suất VNĐ giảm nhanh làm cho mất cân đối giữa lãi suất VNĐ và USD cũng làm đẩy tỉ giá lên. Xuất nhập khẩu tương đối sôi động nên nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu cũng tiêu tốn ngoại tệ không nhỏ.
"Trường hợp xuất khẩu khó khăn, nguồn ngoại tệ nhập về sẽ ít đi dù kiều hối vẫn chảy về. Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng ảnh hưởng làm tỉ giá đi lên", Phó Thống đốc đánh giá.