Sáng nay, Tập đoàn Vingroup (VIC) tổ chức phiên họp thường niên năm 2024, dịp hiếm hoi để cổ đông trực tiếp gặp tỷ phú giàu nhất Việt Nam.
Chủ tọa phiên họp, cũng là người trực tiếp trả lời câu hỏi của các cổ đông là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Ông vẫn giữ phong cách quen thuộc, nói dứt khoát và không né tránh bất kỳ câu hỏi nào, trả lời ngay sau khi được hỏi.
Năm nay, VinFast tiếp tục là tâm điểm. Cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm. Những kế hoạch thoái vốn của Vingroup, bán cổ phần công ty con cũng được thị trường gắn với câu chuyện tài chính của nhà sản xuất xe điện này.
"Tiềm lực của tập đoàn liệu có gánh vác được VinFast không?", một cổ đông nêu ý kiến.
Ông Phạm Nhật Vượng khẳng định ông và Vingroup sẽ dồn toàn lực cho VinFast. "Như cách đây 70 năm khi thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chúng ta có khẩu hiệu "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng", VinFast cũng như vậy. Chúng tôi không bao giờ buông bỏ VinFast, đây không chỉ là câu chuyện kinh doanh", tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định.
Nhắc lại tuyên bố một lần nữa, ông Vượng thêm rằng sẽ thu xếp nguồn tiền cá nhân để tài trợ cho hãng xe điện tối thiểu 1 tỷ USD. "Chúng tôi đang kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng VinFast, công ty con của Vingroup càng phải làm vậy. Các đơn vị trong hệ thống không chối bỏ trách nhiệm, nhưng sẽ tham gia mạnh mẽ, đúng quy định", ông nói thêm.
Trước đó, tỷ phú giàu nhất Việt Nam và Vingroup đã nhiều lần công bố các kế hoạch tài trợ vốn cho VinFast.
Cuối năm 2023, ông Vượng tặng 99,8% cổ phần của Công ty Giải pháp năng lượng VinES - công ty có vốn 6.500 tỷ đồng - cho VinFast, bên cạnh 1 tỷ USD ông đã tặng hãng xe điện trước đó. Vingroup cũng tài trợ nhà sản xuất xe điện không hoàn lại 500 triệu USD và cho vay 1 tỷ USD trong thời hạn tối đa 5 năm.
VinFast báo lỗ ròng gần 18.300 tỷ đồng trong năm 2023. Đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của nhà sản xuất xe điện đạt hơn 180.000 tỷ, tăng hơn 20.000 tỷ so với 2022. Vốn chủ sở hữu là 15.210 tỷ đồng, giảm do khoản lỗ ghi nhận trong năm. Dư nợ trái phiếu ở mức hơn 19.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5.000 tỷ.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ Vingroup, năm 2023 mảng sản xuất này đóng góp hơn 28.000 tỷ đồng doanh thu, hơn gấp đôi mức 13.000 tỷ năm trước đó. Tuy nhiên, mảng này vẫn chịu lỗ trên 33.000 tỷ đồng trước thuế vào năm ngoái.
Trước câu hỏi của cổ đông về "sự nghi ngờ của thị trường với dòng tiền của Vingroup", không mất quá một phút suy nghĩ, ông Phạm Nhật Vượng nói những nghi ngờ dòng tiền, năng lực tập đoàn là "không có cơ sở".
"Chúng tôi chưa bao giờ chậm một đồng lãi vay nào, chưa nói đến tiền gốc. Các kế hoạch tài chính vạch ra đều được tuân thủ nghiêm túc", ông Vượng nói trước cổ đông.
Theo người đứng đầu Vingroup và VinFast, thị trường hiện tại khó khăn, nhưng giai đoạn khó khăn nhất với tập đoàn đã đi qua. Doanh số sản phẩm Vinhomes bán ra những tháng đầu năm đạt kỷ lục so với năm trước. VinFast cũng lần đầu trở thành thương hiệu có doanh số lớn nhất Việt Nam so với các hãng khác.
Ở lĩnh vực xe điện, tỷ phú giàu nhất Việt Nam lặp lại tuyên bố cách đây hai năm, rằng "đây là lĩnh vực khó, nếu dễ dàng đã không đến lượt Vingroup làm". VinFast, theo ông, là dự án làm bởi trách nhiệm xã hội, đóng góp cho đất nước một thương hiệu đẳng cấp trên thị trường thế giới.
Về kế hoạch xây ba nhà máy tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia, Chủ tịch Vingroup cho hay những dự án này đi kèm với rất nhiều ưu đãi, để hỗ trợ quá trình mở rộng của nhà sản xuất xe điện.
"Chúng tôi bỏ ra 2 tỷ USD để xây nhà máy tại Mỹ thì nhận về hơn 2 tỷ USD ưu đãi, gồm chính sách thuế", Chủ tịch Vingroup cho biết. Theo ông, vấn đề các hãng xe điện khó cạnh tranh tại Mỹ do vấn đề chi phí, như logistics, thuế, ưu đãi cho người mua không có, khiến doanh số thấp. Những ưu đãi mà hãng sản xuất xe điện nhận được từ những dự án này sẽ hỗ trợ quá trình tiến vào thị trường thuận lợi hơn.
Năm nay, Vingroup trình cổ đông kế hoạch doanh thu 200.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Tập đoàn cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính, gồm công nghệ - công nghiệp, thương mại - dịch vụ và lĩnh vực khác.
Ở trụ cột công nghệ - công nghiệp, VinFast mở rộng hoạt động tại nhiều thị trường mới trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines, cùng khu vực Trung Đông và châu Phi.
Ngoài Việt Nam, hãng xe điện xúc tiến xây dựng nhà máy tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.
Về thương mại - dịch vụ, Vinhomes đặt mục tiêu tăng doanh số qua việc ra mắt các dự án mới và kiện toàn kênh phân phối. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ hoàn thiện hệ thống phân phối tự doanh song song với hệ thống đại lý hiện có; cải thiện kinh doanh online...
Vinpearl duy trì nhận diện thương hiệu nhóm đầu về vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Đại diện Vingroup cũng cho biết đang tiến hành các thủ tục để niêm yết cổ phiếu Vinpearl trong năm nay.