Có nhiều động lực để bứt tốc
Trong tuần qua (23/9-27/9), VN-Index ghi nhận tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp với mức tăng gần 19 điểm và đóng cửa tại 1.290,92, tăng 1,48% so với tuần trước đó. Diễn biến phân hóa giữa các nhóm ngành càng trở nên hiện hữu khi riêng nhóm Ngân hàng đã đóng góp hơn 16 điểm đối với đà tăng chung của VN-Index, tương đương 70% mức tăng điểm của chỉ số chung.
Khối ngoại bán ròng 480 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thương vụ thoái vốn của Commonwealth Bank of Australia (CBA) đối với cổ phiếu VIB sau khi bán thỏa thuận hơn 148 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 2,7 nghìn tỷ đồng trong tuần qua.
Dù một lần nữa thất bại trong việc chinh phục cột mốc 1.300 điểm, chỉ số VN-Index vẫn đang cho thấy có động lực sẽ vượt qua được cột mốc này nhờ thanh khoản vẫn duy trì ổn định ở mức cao. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân mỗi phiên đạt khoảng 16 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với tuần trước; đồng thời, ghi nhận tuần giao dịch có giá trị giao dịch lớn nhất kể từ cuối tháng 7.
Như vậy, thị trường đang dần khép lại 3/4 chặng đường năm 2024 với mức tăng mạnh (+14,25% kể từ đầu năm), được hỗ trợ bởi xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu đang được định hình. Ở trong nước, thị trường sắp đón nhận những thông tin sớm từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024, FTSE Russell công bố kết quả phân loại thị trường trong tháng 10 thay vì ở tháng 9 như thường lệ. Bên cạnh đó, các cơ hội ở cổ phiếu riêng lẻ cũng xuất hiện khi các ETF như Diamond được cơ cấu lại trong tháng 10… sẽ là các nhân tố có tác động tích cực, hỗ trợ thị trường bứt phá theo xu hướng chung của chứng khoán thế giới.
Ngoài ra, nhìn lại lịch sử chứng khoán Việt Nam cho thấy, giai đoạn từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau thường là giai đoạn tăng trưởng tương đối tốt của VN-Index. Trong khi đó, khá nhiều các cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng và Chứng khoán đã và đang hình thành xu hướng tăng, cũng sẽ tạo động lực giúp hỗ trợ thị trường đi lên.
Trong khi đó, ở thị trường thế giới, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế mạnh mẽ nhất kể từ đại dịch COVID-19, nhằm đối phó với áp lực giảm phát và hỗ trợ thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Bên cạnh các chính sách tiền tệ, Trung Quốc đồng thời sử dụng chính sách tài khóa thông qua việc gửi trợ cấp tiền mặt một lần đến nhóm lao động có thu nhập thấp. Đây được coi là lực đẩy cho thị trường chứng khoán thế giới, cũng là nhân tố hỗ trợ cho thị trường trong nước bứt phá khỏi vùng đỉnh cũ, cùng xu hướng với các chỉ số lớn trên thế giới.
Sớm chinh phục lại đỉnh cũ, tiến tới 1.330 điểm
Theo Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS Research), xét về kỹ thuật, VN-Index đã tăng 7/9 phiên gần đây kể từ khi tạo đáy sau (ở vùng 1.240 điểm), để lần thứ 5 kiểm định lại vùng cản tâm lý 1.290– 1.300 điểm.
Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua và thị trường đang có nhóm cổ phiếu dẫn dắt như: Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản… trong khi ở bên ngoài, chứng khoán thế giới đang được hỗ trợ từ sự trở lại của Chứng khoán Trung Quốc để củng cố mức cao mới.
VN-Index đang trong mô hình tăng tiếp diễn và ở cận trên của mô hình tam giác hướng lên, các phiên rung lắc ở vùng 1.29x không đáng ngại khi dòng tiền lớn đang quay trở lại. Chỉ số Vn30 đã vượt đỉnh tháng 6 thành công (tương ứng với Vn-Index ở 1.301,51 điểm) nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2022. Theo đó, xác suất để chỉ số Vn-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm đang được đánh giá cao trong kịch bản cơ sở để hướng tới mục tiêu ngắn hạn ở vùng 1.330 điểm, hỗ trợ cho thị trường ở vùng 1.270 - 1.280 điểm.
Theo đó, MBS Research khuyến nghị cơ hội đầu tư đối với các cổ phiếu trong danh mục Alpha hoặc ở một số nhóm cổ phiếu vẫn thu hút được dòng tiền như: Bất động sản, Ngân hàng, Chứng khoán, Thép… nhà đầu tư có thể xem xét để giải ngân mới hoặc cơ cấu danh mục.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, VN-Index vẫn sẽ tiếp tục gặp áp lực chốt lời ngay khi tiến đến vùng cản tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ trở lại kiểm định vùng hỗ trợ tại 1.280 điểm trước khi một lần nữa chinh phục vùng cản 1.300 điểm.
“Áp lực chốt lời trong trung và dài hạn, thể hiện qua góc nhìn phân tích kỹ thuật, vẫn còn hiện hữu tại vùng kháng cự hợp lưu với vùng trống giá trên các khung thời gian lớn và dự kiến sẽ xoay quanh phạm vi 1.300 điểm đến 1.330 điểm”, Mirae Asset nhận định trong báo cáo tuần.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, VN-Index tiếp tục có một tuần bứt phá và thậm chí có thời điểm vượt mốc 1.300 điểm trong phiên cuối tuần, tuy vậy, áp lực bán gia tăng đã đẩy lùi chỉ số về lại sát mức 1.290 điểm. Đây là điều không bất ngờ, vì từ đầu năm tới nay, vùng trên 1.300 điểm vẫn luôn là vùng mà VN-Index chịu áp lực chốt lời mạnh và khó giữ vững.
Do vậy, các vị thế mua cần đánh giá cẩn trọng dựa trên cơ sở kết quả kinh doanh. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt, triển vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực.