VN-Index kết thúc tháng 9/2024 tại mốc 1.287,94 điểm, tăng nhẹ 4,07 điểm, tương đương 0,32% so với tháng 9, trong khi thanh khoản bình quân phiên giảm tháng thứ 3 liên tiếp về mức thấp nhất trong 11 tháng.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 17.737 nghìn tỷ đồng trong tháng 9. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân ở mức 15.109 tỷ đồng, giảm 8,5% so với tháng 8 và thấp hơn 24,7% so với giá trị trung bình 5 tháng gần đây.
Xét theo khung thời gian tháng, tỷ trọng dòng tiền gia tăng ở nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, điện trong khi giảm ở các ngành bất động sản, thực phẩm, hóa chất, bán lẻ, công nghệ thông tin, xây dựng, dệt may.
Theo thống kê, trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index trong tháng 9, VIC với mức giảm 5% trở thành tội đồ chính khiến thị trường đánh rơi gần 2 điểm. GAS đứng thứ hai với mức ảnh hưởng giảm 1,4 điểm. Bên cạnh đó, bộ đôi SSB và PLX lấy đi tổng cộng 2,5 điểm của VN-Index.
Ở phía đối diện, cổ phiếu ngân hàng trở lại với vai trò dẫn dắt thị trường trong tháng 9. Danh mục 10 mã có tác động tích cực lên VN-Index có tới 8 đại diện thuộc nhóm ngân hàng, bao gồm CTG, VPB, TCB, TPB, STB, BID, MBB, ACB. Trong đó, CTG và VPB thuộc hai vị trí đầu bảng với tổng mức đóng góp hơn 4,8 điểm.
Liên quan đến giao dịch của nhóm NĐT nước ngoài, họ nối dài chuỗi bán ròng tháng thứ 8 liên tục. Trên HOSE, nhà đầu tư nước bán ròng 2.112 tỷ đồng trong tháng 9, quy mô giảm 42% so với tháng trước. Tuy nhiên, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối ngoại mua ròng 1.005 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VIB với quy mô gần 2.677 tỷ đồng. Giao dịch xả ròng của NĐT nước ngoài tập trung trong phiên 24/9 với gần 2.664 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 148 triệu đơn vị. Với gần 2,98 tỷ cổ phiếu VIB đang được lưu hành, số cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng chiếm gần 4,97% vốn cổ phần Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam.
Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng HPG và VPB với giá trị lần lượt là 1.271 tỷ và 958 tỷ đồng. Danh mục rút ròng hàng trăm tỷ đồng của NĐT nước ngoài còn có những cái tên như HSG (331 tỷ đồng), VIC (283 tỷ đồng), MSN (279 tỷ đồng), HDB (247 tỷ đồng), VCG (209 tỷ đồng), BID (152 tỷ đồng) và VCI (146 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán SSI dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 814 tỷ đồng trong tháng.
Đứng thứ hai trong Top mua ròng là FPT với quy mô 662 tỷ đồng. Một số cổ phiếu tài chính – ngân hàng cũng nằm trong danh mục rót ròng của khối ngoại là TCB (512 tỷ đồng), TPB (463 tỷ đồng), CTG (295 tỷ đồng), HCM (212 tỷ đồng), …
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng gần 52 tỷ đồng. Cụ thể, NĐT ngoại rót ròng hơn 83,3 tỷ đồng gom cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Cùng chiều, PVI cũng được mua ròng với quy mô gần 31,2 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của HUT, GKM, VGS, … với giá trị dưới 20 tỷ đồng.
Ở phía đối diện, họ tập trung bán ròng 33,3 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS của CTCP Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội, theo sau là 28,7 tỷ đồng mã LAS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như MBS, NTP và TNG với giá trị 12 – 26 tỷ đồng.
Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài bán ròng gần 151 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời dẫn đầu với quy mô hơn 39 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 31,3 tỷ đồng mã QNS và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như MCH, HNG và NTW.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất 36,3 tỷ đồng ở cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu BSR (32,6 tỷ đồng), OIL (19,3 tỷ đồng), KLB (8 tỷ đồng) và ABI (3,4 tỷ đồng).