DBD:
CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar – mã DBD) đã tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư nhằm cập nhật tình kinh kết quả kinh doanh và tiến độ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, trong quý 3/2024, Bidiphar đạt doanh thu 452 tỷ đồng và lợi nhuận 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 5% so với cùng kỳ 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Bidiphar đạt 1.269 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và hoàn thành 63% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 246 tỷ đồng, hoàn thành 77% kế hoạch lợi nhuận năm 2024. Thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và thuốc thẩm phân máu là các dòng sản phẩm chính với tỷ trọng trên cơ cấu doanh thu hàng sản xuất đạt lần lượt là 28%, 20% và 12%.
Doanh thu kênh ETC tăng 8,6% đạt 803 tỷ đồng, tỷ trọng chiếm 66% cơ cấu doanh thu thuốc tự sản xuất. Bidiphar hiện đang là doanh nghiệp dược phẩm nội địa duy nhất tham gia vào cơ cấu đầu thầu thuốc điều trị ung thư, đang đứng thứ 6 về giá trị sau các doanh nghiệp dược nước ngoài và dẫn đầu về sản lượng (theo liều thuốc). Tuy nhiên, giá trị trúng thầu thuốc điều trị ung thư của Bidiphar chưa cao vì đa phần là thuốc hóa trị có giá trị thấp.
Doanh thu kênh OTC cũng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 420 tỷ đồng, chiếm tỷ tron gj 34% cơ cấu doanh thu thuốc tự sản xuất. Hiện tại thuốc qua kênh OTC của Bidiphar đang được phân phối cho 20.000 nhà thuốc, trong đó có 11.000 khách hàng giao dịch thường xuyên.
Bidiphar hiện đang quản lý vận hành 2 Nhà máy sản xuất thuốc với 15 dây chuyền sản xuất. Giai đoạn 2024 – 2029, DBD tiếp tục xây dựng 2 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP/WHO-GMP. Trong đó, nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ có vốn đầu tư 840 tỷ đồng với công suất thiết kế là 120 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non-Betalactam có vốn đầu tư 850 tỷ đồng với công suất thiết kế là 1,3 tỷ sản phẩm/năm.
Theo đánh giá của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Bidiphar có nhiều tiềm năng như (1) Dẫn đầu trong các doanh nghiệp dược phẩm nội địa có khả năng sản xuất các sản phẩm có độ phức tạp cao như thuốc điều trị ung thư, thuốc thẩm phân máu; (2) Dư địa tăng trưởng thuốc tự sản xuất còn rất nhiều với sự mở rộng thêm 2 nhà máy mới; (3) Đang trong tiến trình nâng cấp tiêu chuẩn EU-GMP cho nhà máy thuốc điều trị ung thư; (4) Hưởng lợi từ chính sách ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong cơ cấu đấu thầu thuốc kênh bệnh viện của Bộ Y tế qua Thông tư 03 & 07; (5) Có tiềm năng lớn từ thương vụ M&A.
Đáng chú ý, Bidiphar sẽ tiếp tục thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán là 23,3 triệu cổ phiếu, giá chào bán tối thiểu 50.000 VND/cổ phiếu. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2024 – 2025, sau khi nhận được UBCKNN chấp thuận. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động đầu tư cho 2 dự án nhà máy mới tại Khu kinh tế Nhơn Hội.
Bidiphar hiện vẫn đang tiến hành đàm phán với 4 nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, với tiêu chí ưu tiền là đối tác chiến lược mang lại giá trị mới, có thể chuyển giao công nghệ và đồng hành lâu dài cùng công ty. Tuy nhiên, Bidiphar vẫn đang gặp một số bất cập về thương vụ này do hoạt động kinh doanh của công ty chú trọng vào mảng điều trị ung thư, dung dịch lọc máu, tương đối khác biệt so với thị trường dược phẩm.