Các nhà sản xuất sơn tại châu Âu đang kêu gọi EU xem xét lại các biện pháp chống bán phá giá đối với sơn xuất khẩu của Trung Quốc, tờ Financial Times đưa tin.
Các công ty sơn trong khối lo ngại rằng mức thuế lên tới 39,7% đối với sản phẩm titan dioxide (TiO2) từ Trung Quốc sẽ khiến các hãng sản xuất nhỏ phá sản và khiến các doanh nghiệp lớn chuyển sản xuất ra khỏi khối. TiO2 là thành phần quan trọng để sản xuất sơn.
“Đây là vấn đề sống còn của những ngành công nghiệp này,” Nicolas Dujardin, CEO công ty sản xuất sơn Océinde (Pháp) nói. “Nếu tất cả những cuộc điều tra chống bán phá giá dẫn đến mức thuế cao như vậy ở châu Âu, thì nhiều công ty trong ngành sẽ phá sản”, ông Dujardin cảnh báo.
Sau cuộc điều tra chống bán phá giá được khởi xướng vào năm ngoái, EU đã đưa ra các biện pháp tạm thời, bao gồm cả thuế hồi tố, có thể được điều chỉnh hoặc kết luận vào tháng 1 năm sau.
Cuộc tranh luận tập trung vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà EU phải đối mặt trong việc bảo vệ các ngành công nghiệp của mình khỏi cạnh tranh từ Trung Quốc mà không gây ra lạm phát và làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất trong khối.
Paula Salastie, chủ hãng sơn Teknos (Phần Lan), cho biết ngành sơn sẽ phải đối mặt với suy thoái kéo dài nếu người tiêu dùng chịu giá cao. Ngoài ra, nếu nguồn cung từ Trung Quốc bị chuyển hướng sang nơi khác, tình trạng thiếu nguyên liệu thô sẽ gây gián đoạn sản xuất.
“Nếu doanh số không cao, chúng tôi cần cắt giảm nhân công. Chúng tôi đang cân xem xét vấn đề kỹ lưỡng”, bà Salastie nói, đồng thời cho biết công ty có thể đầu tư bên ngoài khối.
Ủy ban Châu Âu (EC) từ chối bình luận và cho biết các nhà sản xuất sơn được phép nộp kiến nghị đến ngày 21/10 trước khi các quốc gia thành viên bỏ phiếu về mức thuế trên.
Các hãng sản xuất sơn lớn cũng chỉ trích các mức thuế này. Pedro Serret Salvat, chủ tịch khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi tại công ty sơn lớn thứ 2 thế giới PPG, cho biết chúng sẽ “ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh” của các công ty sản xuất trong khối.
Ông nói thêm rằng mức thuế này là “không cân xứng” và việc áp dụng thuế hồi tố là “không thể chấp nhận được”.
Các nhà sản xuất sơn cho biết mức thuế này có thể chấp nhận được nếu được áp dụng có lộ trình và tăng trợ cấp cho sản xuất titan dioxit tại địa phương.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất TiO2 ở phương Tây đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cạnh tranh từ Trung Quốc.
Theo TZMI, đơn vị cung cấp thông tin công nghiệp, công suất sản xuất TiO2 tại Trung Quốc đã tăng vọt từ 1,4 triệu tấn vào năm 2008 lên ước tính 6,1 triệu tấn trong năm nay, nâng thị phần tiêu thụ toàn cầu từ 29% lên 83%.
Theo ước tính của Liên minh TiO2 Châu Âu, khoảng 1,1 triệu tấn sản phẩm không phải của Trung Quốc đã không được sản xuất kể từ năm 2007, bao gồm 5 nhà máy ở EU.
Công ty sản xuất TiO2 Tronox, cho biết giá sơn có thể tăng tới 5% nếu mức thuế trên được áp dụng. Việc bảo vệ ngành công nghiệp TiO2 cũng có ý nghĩa quan trọng đối với ngành hàng không vũ trụ châu Âu vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất kim loại titan dùng trong máy bay, công ty chia sẻ.
"Chúng tôi không thể hoạt động với công suất ở mức 60%”, Jeffrey Neuman, cố vấn của Tronox cho biết. Ông nói thêm rằng biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp thông qua thuế quan làm dấy lên nghi vấn về khả năng phục hồi của ngành.
Một số nhà sản xuất sơn cho biết họ kỳ vọng mức thuế này sẽ mang lại lợi ích cho Vương quốc Anh sau Brexit và các đối thủ từ Thổ Nhĩ Kỳ, vì cả 2 quốc gia này vẫn có thể tiếp cận nguồn TiO2 giá rẻ từ Trung Quốc.
Nhưng Tom Bowtell, giám đốc điều hành của Liên đoàn Sơn phủ Anh, cho biết lợi thế cạnh tranh nhờ giá đầu vào thấp hơn có thể sẽ không phát huy bởi chi phí thương mại phát sinh khi rời khỏi EU.
Tronox cho biết họ lo ngại rằng Anh có thể tràn ngập nguyên liệu từ Trung Quốc khi các nhà xuất khẩu tìm kiếm thị trường thay thế bên ngoài EU, đặc biệt là khi Brazil và Ấn Độ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với các lô hàng TiO2 từ nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Theo FT