Yêu cầu phát triển hạ tầng viễn thông được nêu trong Quy hoạch Hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, được Chính phủ phê duyệt và Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng này. Theo đó, định hướng phát triển của hạ tầng là mạng viễn thông băng rộng đảm bảo dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại. Hạ tầng Internet vạn vật được tích hợp rộng rãi, phục vụ tốt chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh quốc phòng. Một trong các yêu cầu phát triển đến năm 2025 là Việt Nam sẽ thực hiện triển khai, đầu tư thêm 2-4 tuyến cáp viễn thông quốc tế.
Riêng với cáp quang biển, phương án phát triển là các tuyến sẽ có điểm cập bờ tại vị trí thuận lợi, ưu tiên những vị trí đã có trạm cập bờ và cần có kết nối đến các huyện đảo, đảo lớn của Việt Nam. Trong quy hoạch, sẽ có một tuyến cáp tại khu vực Vịnh Thái Lan, có kết nối ra đảo Phú Quốc và các đảo lớn.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng yêu cầu duy trì, nâng cấp các tuyến cáp quang đất liền hiện có. Đến 2025, tổng dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam trên tất cả tuyến cáp quang đất liền và biển đạt khoảng 60 Tb/giây.
Các công trình này dự kiến "bảo đảm kết nối dung lượng lớn, tốc độ cao từ Việt Nam đi quốc tế, san tải với các tuyến cáp quốc tế hiện có, làm tăng độ an toàn của mạng lưới" và "bảo đảm chất lượng kết nối Internet của người dùng không bị ảnh hưởng trong mọi tình huống".
Ngoài ra, quy hoạch cũng yêu cầu về mạng băng rộng cố định đến 2025 đảm bảo 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang, 90% người dùng có thể truy cập Internet cố định tốc độ 200 Mb/giây, 90% tổ chức kinh tế-xã hội truy cập với tốc độ 1 Gb/giây.
Về Internet di động, tốc độ tải xuống trung bình cần đạt tối thiểu 40 Mb/giây cho mạng 4G, 100 Mb/giây cho mạng 5G. 100% người dân ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh.
Thời gian qua, hạ tầng Internet tại Việt Nam được đánh giá là còn nhiều hạn chế so với quy mô người dùng và dân số. Việt Nam hiện kết nối với thế giới qua 5 tuyến cáp quang biển, với dung lượng khoảng 18,7 Tb/giây, nhưng liên tục gặp gián đoạn. Tháng 1 năm ngoái, sự cố với cả 5 tuyến đã gây mất khoảng 75% dung lượng đường truyền, khiến việc truy cập của nhiều người gặp khó khăn.