Theo dữ liệu từ Wichart, tính tới sáng ngày 31/1 có hơn 910 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2023.
Trong đó nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục năm 2023 như: Vincom Retail (Mã: VRE), Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS), Tập đoàn PAN (Mã: PAN), CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), Dược Hậu Giang (Mã: DHG), Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP), CTCP FPT (Mã: FPT), Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP), Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), Tổng CTCP Công trình Viettel (Viettel Construction - Mã: CTR), Mộc Châu Milk (Mã: MCM),...
Năm 2023, doanh thu thuần của Vincom Retail đạt 9.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.409 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 33% và 58,8% so với cùng kỳ. Đây là quy mô lợi nhuận kỷ lục của Vincom Retail kể từ khi hoạt động.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính nhưng theo công bố PNJ ghi nhận doanh thu thuần PNJ đạt 33.137 tỷ đồng, giảm 2% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.971 tỷ đồng, tăng gần 9% so với 2022.
Năm qua, Tập đoàn FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 6.470 tỷ đồng, tăng trưởng 22%.
Nhóm nhựa dân dụng báo lãi đậm trong bối cảnh giá đầu vào PVC giảm mạnh và tiếp tục đi ngang tại đáy do nhu cầu vật liệu này trên toàn thế giới đi xuống. Khi giá đầu vào giảm, các công ty sản xuất ống nhựa có xu hướng giảm giá cho đại lý phân phối, khuyến khích các đại lý tích lũy thêm sản phẩm.
- TIN LIÊN QUAN
-
Hoà Phát lãi gần 3.000 tỷ quý cuối năm 2023
Luỹ kế cả năm 2023, Nhựa Tiền Phong ghi nhận lãi sau thuế 559 tỷ, tăng 16,5% so với năm 2022.
Còn với Nhựa Bình Minh , cả năm, dù doanh thu giảm 11% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế lần đầu vượt mốc nghìn tỷ, tăng 50% lên 1.041 tỷ đồng.
Trái ngược với nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận năm cao kỷ lục thì có nhiều đơn vị lớn báo lãi suy giảm hai chữ số so với năm 2022 như: Techcombank (Mã: TCB), TPBank (Mã: TPB), PG Bank (Mã: PGB), CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR), Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC), Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), Novaland (Mã: NVL), Đạm Cà Mau (Mã: DCM), Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH),...
Nhiều công ty chứng khoán trên sàn đã công bố báo cáo tài chính với mức lãi lớn năm qua như: VNDirect (Mã: VND) lãi ròng 2.024 tỷ, Chứng khoán VIX lãi 966 tỷ, Chứng khoán MB (Mã: MBS) lãi sau thuế 584 tỷ, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) lãi 674 tỷ, Chứng khoán SHS (Mã: SHS) lãi ròng 559 tỷ,...Ngoài ra, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) cũng công bố lãi sau thuế công ty mẹ 2.173 tỷ năm 2023.
Một số công ty chứng khoán chưa đại chúng cũng ghi nhận kết quả cao năm qua như Chứng khoán Techcom (TCBS) lãi trước thuế hơn 3.028 tỷ đồng.
Ở lĩnh vực bất động sản, một số doanh nghiệp ghi nhận lãi đột biến quý IV như Phát Đạt (Mã: PDR), Nam Từ Liêm (Mã: NTL), Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP), CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: VRG), Long Hậu (Mã: LHG),....
2023 có thể nói là một năm toả sáng của doanh nghiệp dược phẩm khi loạt đơn vị báo lãi cao nhất từ trước tới nay như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Dược phẩm CPC1 Hà Nội (Mã: DTP), Dược phẩm Trung ương 3 (Mã: DP3), Dược phẩm Trung ương CPC1 (Mã: DP1),...
Trái với ngành dược thì 2023 là một năm buồn của doanh nghiệp điện. Ngành điện ghi nhận nhiều doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận trong quý cuối năm và tính chung cả năm thì sự suy giảm lợi nhuận bao phủ lên gần như toàn bộ các doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lỗ lớn năm 2023
Tính tới sáng 31/1, có khoảng hơn 210 doanh nghiệp báo lỗ quý IV. Trong đó, một số doanh nghiệp ghi nhận lỗ lớn quý IV như: HAGL Agrico (Mã: HNG) lỗ ròng 604 tỷ, Thép Pomina (Mã: POM) lỗ 313 tỷ, Thép SMC (Mã: SMC) lỗ 330 tỷ, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: PSH) lỗ ròng 221 tỷ, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND) lỗ ròng 115 tỷ song cả năm đơn vị này vẫn lãi ròng 418 tỷ; FPT Retail (Mã: FRT) lỗ ròng 101 tỷ,...