Doanh nghiệp

Đề xuất mở cơ chế cho ACV có tiền xây sân bay Long Thành

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 140 năm 2020, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn được chia phần lợi nhuận còn lại cho cổ đông bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt như hiện tại. Trả cổ tức bằng cổ phiếu chỉ được áp dụng với công ty cổ phần thực hiện các dự án quan trọng quốc gia được cấp có thẩm phê duyệt, Thủ tướng chấp thuận.

Đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cho trường hợp của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), theo yêu cầu của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại thông báo cuối năm 2023.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, phần lợi nhuận còn lại sẽ phải chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông, thành viên góp vốn. Cổ tức từ phần góp vốn của Nhà nước sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.

Tại tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá, nếu không được tăng vốn bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu, ACV sẽ không đáp ứng nhu cầu vốn để hoàn thành đúng tiến độ đầu tư, xây dựng, đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2025.

Theo báo cáo trước đó của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhu cầu vốn đầu tư cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021-2025 mà ACV cần để thực hiện là 154.596 tỷ đồng. Khoản này được dự kiến bảo đảm từ nguồn vốn tự tích lũy của ACV và nguồn vốn huy động từ bên ngoài.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do Covid-19, kết quả sản xuất kinh doanh của ACV sụt giảm mạnh. Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2016-2018 trung bình 6.467 tỷ đồng mỗi năm, trong đó năm đỉnh cao 2019 là 9.976 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2020, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 2.071 tỷ đồng và năm 2021 giảm còn 924 tỷ đồng.

Điều này dẫn đến ACV khó đảm bảo tích lũy được nguồn vốn để cân đối thực hiện các dự án đầu tư dù nhu cầu vốn sau khi rà soát cắt giảm chỉ còn 113.499 tỷ đồng.

"Trong trường hợp này, ACV sẽ phải vay các tổ chức tín dụng, dẫn tới tăng rủi ro trong hoạt động đầu tư, giảm hiệu quả dự án và giảm hiệu quả hoạt động của ACV", Bộ Tài chính đánh giá.

Theo phương án trước đó của Bộ Tài chính, nếu đề xuất này được thông qua, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiến hành các thủ tục đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Vốn điều lệ của ACV sẽ tăng lên tương ứng với phần lợi nhuận sau thuế còn lại từ năm 2019-2022 (khoảng 7.845 tỷ đồng), Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu tại ACV mà không phải đầu tư trực tiếp từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm