Liên quan đến thỏa thuận chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam, ngày 2-4, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Việt Nam chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon.
Việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Thủ tướng giao triển khai 2 thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải.
Đối với thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Cục Lâm nghiệp cho biết theo thỏa thuận, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO₂ giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026.
LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO₂, với tổng giá trị là 51,5 triệu USD.
Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4,26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký chí cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES.
Đồng thời, đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Đối với ERPA Bắc Trung Bộ, Cục Lâm nghiệp cho biết Việt Nam hoàn thành chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon cho Ngân hàng Thế giới (WB) và đã tiếp nhận 51,5 triệu USD.
Ông Trần Quang Bảo, cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết hiện đã phân bổ 80% số tiền trên cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia và trong 1 đến 2 tháng nữa sẽ phân bổ hết số tiền còn lại cho các địa phương.
Về phân bổ lợi ích từ nguồn tiền trên, ông Bảo cho biết Chính phủ đã ban hành nghị định số 107 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Theo đó, quỹ trung ương (quản lý, tiếp nhận nguồn tiền chi trả) chỉ được giữ lại 0,5% để điều phối thỏa thuận chung và 3% để thực hiện hoạt động đo đếm, giám sát, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật… Còn lại 96,5% được phân bổ hoàn toàn cho các địa phương.
Trên cơ sở diện tích rừng nhận khoán, địa phương sẽ tiếp tục phân bổ số tiền trên đến người dân, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích và đang tổ chức tập huấn để phân bổ cho các địa phương được hưởng lợi từ nguồn thu này.
Đối tượng được hưởng lợi chính là các cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân giữ rừng…
Đối với 5,91 triệu tấn CO₂ còn dư, ông Bảo cho hay WB đã đồng ý mua bổ sung 1 triệu tấn CO₂. Lượng tín chỉ còn dư 4,91 triệu tấn, bộ đã báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với WB để đo đếm, xác nhận lượng tín chỉ giai đoạn 2 (2020-2022), giai đoạn 3 (2023-2024), tìm kiếm các đối tác có nhu cầu tiếp nhận để tiến hành đàm phán chuyển nhượng, đảm bảo quyền lợi của quốc gia và huy động nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng Bắc Trung Bộ.