Trong đơn gửi đến Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Kim Liên (quận 5, TP HCM) cho biết do có nhu cầu mua đất tầm 300-400 triệu đồng nên cuối năm 2023 bà lên mạng tìm hiểu. Bà tìm thấy mẩu quảng cáo bán đất nền ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vạn Đại Thành (Vạn Đại Thành, địa chỉ 116 Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) chỉ 260 triệu đồng/nền. Sau đó, bà được 2 người tên Quân và Trường tự xưng là nhân viên của công ty liên hệ mời chào, hướng dẫn và cho xe đến tận nhà chở bà đi coi đất ở Bảo Lộc.
Biết bà không thông thạo đường nên họ đưa bà đến xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng giới thiệu mảnh đất diện tích 356,1 m2 và yêu cầu bà Liên đặt cọc 200 triệu đồng. Nghĩ đất có giá 260 triệu đồng nên bà Liên đã chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản ông Nguyễn Hồng Vinh, tổng giám đốc Vạn Đại Thành.
Sau đó, nhân viên của công ty này hẹn bà Liên đi công chứng giấy tờ đất, đồng thời mời bà mua thêm một lô đất khác cạnh lô đất bà đặt cọc, để đi công chứng một lượt. Tin lời, bà Liên đồng ý chuyển thêm 150 triệu đồng nữa với nội dung "đặt cọc mua đất Bảo Lộc".
Khi đến trụ sở công ty làm các thủ tục bà Liên còn phải đưa thêm 50 triệu đồng nữa. Đến hẹn đi công chứng thì phía Vạn Đại Thành mới cho biết lô đất bà mua có giá 1,8 tỉ đồng, 2 nền là 3,6 tỉ đồng. Nếu không mua thì tiền đặt cọc 400 triệu đồng coi như mất.
Khi bà Liên nói không khả năng mua thì nhân viên của Vạn Đại Thành đề nghị bà đổi sang mua một lô đất ở vị trí khác, giá 1,55 tỉ đồng. Bà Liên không đồng ý và đi khiếu nại để đòi lại tiền nhưng không được giải quyết. Hiện tại, bà đang chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện công ty này.
Những mẩu quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội về đất nền giá rẻ đã khiến nhiều người mắc bẫy Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Cũng là một nạn nhân của hình thức "lùa gà" đi mua đất nền ở tỉnh với giá trên trời, ông Ph.Đ.C. (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã phải "ngậm đắng" mua mảnh đất 900 triệu đồng thay vì 300 triệu như lời quảng cáo.
Theo trình bày, ông C., đọc tin quảng cáo đất Bảo Lộc giá chỉ 300 triệu đồng/nền trên mạng xã hội. Sau đó, ông C. được nhân viên Công ty CP Dịch vụ Địa ốc Trường Hải (Bình Dương) đưa đi lên tận huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) rồi dụ bán mảnh đất với giá tới 1,9 tỉ đồng/nền.
Khi xem đất, ông vẫn nghĩ giá 300 triệu đồng/nền nên mới đồng ý đặt cọc 200 triệu đồng. Lúc về nhà, cầm hợp đồng ông C. mới tá hỏa. Gia đình ông khiếu nại, làm lớn chuyện thì phía công ty hứa chuyển qua bán cho ông C. mảnh đất khác giá 900 triệu đồng.
Khi ông C. nói không đủ tiền, phía công ty lại tư vấn ông vay ngân hàng số tiền còn lại, còn không thì mất tiền cọc. Do đó, ông và gia đình đồng ý ký vay. Hiện tại, cả nhà ông đang mang nợ, còn đất không biết khi nào mới bán được giá.
Trao đổi với chúng tôi về những trường hợp nói trên, một cán bộ Công an TP Thủ Đức cho biết khi thấy có dấu hiệu bị lừa, người dân nên có đơn trình báo công an. Sau đó, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành xác minh để tìm ra những hành vi vi phạm. Nếu có dấu hiệu lừa đảo sẽ tiến hành điều tra, xử lý theo pháp luật.
Sau khi nhận đơn của bà Liên, chúng tôi đã liên hệ với phía Vạn Đại Thành, cụ thể là ông Nguyễn Hồng Vinh. Ông này không trả lời qua điện thoại mà nói sẽ đến cơ quan Báo Người Lao Động để "làm việc cho rõ ràng". Sau đó, khi đến trụ sở Báo Người Lao Động, ông Vinh dẫn theo một người và giới thiệu là "đại diện pháp lý". Tuy nhiên, khi làm việc (có cả bà Liên), ông Vinh và người đại diện pháp lý tỏ ra không thiện chí trong việc xử lý quyền lợi cho khách hàng mà chỉ đưa ra hợp đồng đặt cọc và một mực khẳng định: "Chị ấy đã ký trên giấy trắng mực đen là đặt cọc, nếu không mua là mất tiền", rồi nhanh chóng ra về. |