Doanh nghiệp

"Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành tài chính cá nhân"

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế đã điều chỉnh của HSBC trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính cá nhân đạt 8,5 tỷ USA, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế chung của cả tập đoàn tăng từ 20,6 tỷ USD lên 24 tỷ USD.

Dưới đây là chia sẻ của Taylan về kế hoạch của HSBC để khai thác tiềm năng của thị trường Việt Nam bằng các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng và tài chính cá nhân.

- Triển vọng đầu tư tiềm năng nhất tại Việt Nam đối với HSBC là gì, thưa ông?

- Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam kể từ khi tiếp nhận vai trò Giám đốc tập đoàn mảng ngân hàng bán lẻ và chiến lược tài chính cá nhân HSBC. Chúng tôi lạc quan về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Đây là nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực ASEAN với tốc độ tăng trưởng GDP là 8,02% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam cũng là quốc gia có mức tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng cao trong số các thị trường ASEAN.

HSBC đóng góp vào nền kinh tế này bằng các hoạt động kinh doanh ngân hàng và tài chính cá nhân thông qua việc hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu. Ví dụ tài trợ thế chấp cho đối tượng có nhu cầu mua nhà, dịch vụ thẻ tín dụng tiện lợi, hợp tác với các đối tác như VinaCapital và Dragon Capital cung cấp dịch vụ quản lý tài sản, hỗ trợ các gia đình có nhu cầu cho con đi du học.

Ôông Taylan - Giám đốc tập đoàn mảng ngân hàng bán lẻ và chiến lược tài chính cá nhân HSBC

Ông Taylan - Giám đốc tập đoàn mảng ngân hàng bán lẻ và chiến lược tài chính cá nhân HSBC. Ảnh: HSBC

- Yếu tố nào thúc đẩy tăng trưởng của kinh doanh ngân hàng và tài chính cá nhân tại thị trường này?

- Một trong những yếu tố cốt lõi là tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng, kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, lớn hơn cả Đức và Anh. Xu hướng này dẫn đến mức thu nhập và mức sống ngày càng tăng trên các phân khúc xã hội. Trong đó, chúng tôi dự đoán mức tăng trưởng cao nhất sẽ nằm trong nhóm dân số có giá trị tài sản ròng cao, tầng lớp thu nhập khá và cao, bởi các phân khúc này nắm giữ hơn 80% tổng tài sản lưu động.

Chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng mang tính cơ cấu này sẽ làm tăng nhu cầu các sản phẩm và giải pháp ngân hàng và tài chính cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.

Năm 2020, Việt Nam đã thông qua Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia hướng đến mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng; và số lượng giao dịch không tiền mặt dự kiến sẽ tăng trong khoảng 1/5 đến 1/4 hàng năm đến năm 2050. Để đạt được tham vọng này, Việt Nam cần có các chiến thuật kép vừa mở rộng các dịch vụ tài chính, vừa chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt.

Với việc chính phủ tập trung vào tài chính toàn diện, tôi nhận thấy cơ hội lớn của thị trường ngân hàng và tài chính cá nhân tại Việt Nam.

- HSBC có kế hoạch gì cho thị trường Việt Nam?

- Chúng tôi nhắm đến mục tiêu phát triển ở Châu Á và Việt Nam là một trong số các thị trường chiến lược trong phát triển ngân hàng và tài chính cá nhân.

Sự phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam, bao gồm ngân hàng và tài chính cá nhân, được trợ lực mạnh mẽ bởi sự tăng trưởng kinh tế ổn định và quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người với đa số người trẻ có mức thu nhập ngày càng tăng. Cùng với mức sống ngày càng cao, Việt Nam chắc chắn là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở khu vực Đông Nam Á đang thu hút các nhà bán lẻ và các dịch vụ tài chính.

Đầu tiên, chúng tôi muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh cho vay tín chấp với tham vọng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách hàng tại Đông Nam Á. Một phần trong kế hoạch này là phát triển gấp đôi các khả năng kỹ thuật số mới phù hợp với các nhu cầu vay cũng như các quyền lợi dành cho khách hàng.

Ví dụ, số người sử dụng thẻ tại Việt Nam khá thấp (chỉ 17% dân số có sử dụng thẻ tín dụng), kết hợp với tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm là 19% trong khoảng năm 2017 đến 2025). Mức tăng trưởng chi tiêu thẻ tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các thị trường khác như Philippines, Indonesia và Malaysia với tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm lần lượt là 7%, 6% và 4%.

HSBC cung cấp các dịch vụ cho vay đơn giản và dễ tiếp cận, có trách nhiệm. Chúng tôi liên tục cải tiến các trải nghiệm của khách hàng, đặc biệt thông qua các kênh kỹ thuật số, cung cấp cho khách hàng thông tin đơn giản, đáng tin cậy về các sản phẩm để giúp họ đưa ra các quyết định tài chính hợp lý.

Thứ hai, chúng tôi sẽ xây dựng và củng cố mối quan hệ với nhóm khách hàng có thu nhập khá trở lên, đại diện cho phân khúc khách hàng gia tăng nhanh nhất với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 10% trong giai đoạn 2021 đến 2050.

Trong số các ngân hàng quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, HSBC là thương hiệu ngân hàng hàng đầu và là một trong những ngân hàng nắm giữ nhiều thị phần nhất đối với phân khúc khách có thu nhập cao. Tôi tin rằng, vị thế này có được chủ yếu nhờ những giá trị mang tính quốc tế chúng tôi có thể mang đến cho khách hàng và đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng cao cấp chất lượng hàng đầu của chúng tôi.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, chúng tôi mong muốn khai thác nhu cầu về thế chấp ngày càng tăng. Đây là sản phẩm cho vay phát triển nhanh nhất trong phân khúc khách hàng thượng lưu. Tôi từng nghe nói "Tậu trâu, cưới vợ, dựng nhà" là ba việc trọng đại của đời người. Chúng tôi nhận thấy tốc độ đô thị hóa và nhu cầu về nhà ở của Việt Nam, kết hợp với văn hóa sở hữu nhà mạnh mẽ.

- Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ 3,4% năm 2022 xuống 2,8% năm 2023, theo IMF, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng sẽ chậm lại trong năm nay. Ông đánh giá thế nào về thời điểm này với ngành bán lẻ?

- Bất chấp các thách thức của thị trường toàn cầu, chúng tôi lạc quan về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nói chung. Từ góc nhìn về chi tiêu, bức tranh khá tích cực.

Ví dụ, mức chi tiêu của các khách hàng có thu nhập khá, trong đó bao gồm những đối tượng thuộc thế hệ millennials có sự am hiểu về công nghệ và thích đi du lịch, đang thúc đẩy nền kinh tế. Họ chiếm 2/5 tài sản hộ gia đình tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á và hơn một nửa tổng chi tiêu là dành cho các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cao cấp và xa xỉ. Chúng tôi kỳ vọng phân khúc này sẽ đạt 136 triệu vào năm 2030.

Các nền kinh tế khu vực này tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi với tăng trưởng tiêu dùng thúc đẩy bởi việc mở cửa toàn diện và nhu cầu du lịch và giải trí bị dồn nén trong những năm dịch bệnh. HSBC sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm và dịch vụ có tính sáng tạo cho phép khách hàng chi tiêu và vay cho các trải nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân và gia đình.

Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn nhưng tôi tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua thách thức và thành công.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm