Doanh nghiệp

Nhóm ngành nào có lợi nhuận tụt dốc mạnh nhất quý I?

WiGroup vừa có báo cáo cập nhật về kết quả kinh doanh toàn thị trường quý I/2023 với số liệu thống kê của 938 trong tổng 1.630 công ty trên sàn (chiếm hơn 90% vốn hóa thị trường).

Sau kết quả lợi nhuận kém tích cực trong quý IV/2022 khi giảm 30% so với cùng kỳ, quý đầu tiên của năm 2023 tiếp tục gây thất vọng với lợi nhuận sau thuế (LNST) toàn thị trường giảm sâu hơn 50% so với cùng kỳ nếu không tính đến sự đóng góp của nhóm tài chính.

Kết quả kinh doanh của Vinhomes là bệ đỡ, kéo lại đà giảm cho các công ty trên sàn. (Ảnh minh họa: MH).

Các chuyên gia cho biết, sự sụt giảm này không quá khó dự đoán khi chỉ số PMI các tháng đầu năm đã cho thấy sự đình trệ của lĩnh vực sản xuất và các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới.

Theo báo cáo, Vinhomes (Mã: VHM) là doanh nghiệp hiếm hoi có kết quả kinh doanh đi ngược thị trường khi ghi nhận mức LNST tăng trưởng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ lên 11.923 tỷ đồng, kéo lại đà giảm cho các công ty trên sàn. 

 Nguồn: WiGroup.

Nếu xét theo từng ngành, nhóm phát triển bất động sản có kết quả bất ngờ so với kỳ vọng vì dù trong giai đoạn tương đối khó khăn của thị trường, LNST của ngành này vẫn tăng gần 40% so với cùng kỳ.

Nếu loại trừ đóng góp của Vinhomes ra khỏi kết quả chung của toàn ngành, mảng bất động sản lại cho thấy sự sụt giảm hơn 50% trong quý I/2023. Điều đó cho thấy về bản chất thì ngành này vẫn không nằm ngoài những khó khăn chung của thị trường mặc dù con số tăng trưởng chung được thể hiện tương đối khả quan. 

Ở chiều ngược lại, hai ngành có kết quả gây thất vọng nhất phải kể đến ngành hoá chất (do giá phốt pho và phân bón giảm sâu) và nhóm môi giới chứng khoán (do thanh khoản thị trường yếu kém).

Nguồn: WiGroup.

Xét riêng đối với nhóm VN30, tổng LNST của nhóm này đạt khoảng 63.857 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ. Như vậy, quý vừa qua tiếp tục là quý VN30 ghi nhận kết quả lạc quan hơn so với thị trường chung. Tuy nhiên, theo đánh giá, mức sụt giảm LNST của VN30 lại tăng lên đáng kể so với quý trước trong khi đối với thị trường chung, sự sụt giảm này đã có dấu hiệu cải thiện. 

Dẫn dắt tăng trưởng LNST của nhóm VN30 trong quý I đầu năm phải kể đến Vincom Retail (Mã: VRE) với mức tăng 171% svck. Đi cùng đà tăng của lợi nhuận, doanh thu của VRE cũng tăng trưởng mạnh khoảng 42% nhờ hoạt động cho thuê bất động sản đã phục hồi tốt sau đại dịch.

Xét về cơ cấu LNST, ngành ngân hàng tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận trong danh mục VN30. Nguyên nhân chính là do sự suy giảm lợi nhuận của nhóm ngành sản xuất và chế biến thép.

 Nguồn: WiGroup.

Khả năng thanh toán lãi vay có thực sự cải thiện?

Theo thống kê của các chuyên gia, khả năng thanh toán lãi vay của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn đã có sự cải thiện trong quý vừa qua, tuy nhiên vẫn còn ở mức khá thấp nếu so với mặt bằng chung các năm gần đây.

Giai đoạn cuối năm 2022 đánh dấu thời điểm thanh khoản của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng xuống mức thấp kỷ mục, với khả năng đảm bảo lãi vay (EBITDA/lãi vay) toàn thị trường chỉ đạt 4,8 lần. 

Trong quý I năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện giảm lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Do đó, các nhà phân tích kỳ vọng thanh khoản của nền kinh tế sẽ ổn định hơn trong giai đoạn tới. 

Nguồn: WiGroup.

Thực tế nhiều doanh nghiệp bất động sản ghi nhận chi phí lãi vay trong kỳ rất nhỏ trên tổng dư nợ hàng nghìn tỷ đồng, nhưng thực tế lãi vay đã trả rất lớn.

Trong quý đầu năm, tổng chi phí lãi vay các doanh nghiệp bất động sản ghi nhận vào khoảng 2.300 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý đầu năm ngoái. Còn lãi vay thực tế đã trả trên 4.300 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. 

Một số doanh nghiệp phát sinh X đồng lãi vay trong kỳ nhưng số tiền lãi vay đã trả gấp nhiều lần có Novaland (9X đồng), DRH Holdings (7X đồng), CenLand (3X đồng), Becamex IDC (2,5X đồng),…

Sở dĩ có sự chênh lệch này bởi trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chi phí lãi vay thể hiện khoản lãi vay phát sinh trong kỳ kế toán, không phải số tiền lãi vay thực tế doanh nghiệp đã trả.

Tổng mức đầu tư của một dự án bất động sản tương đối lớn và thời gian triển khai tính bằng năm. Khi vay vốn để làm dự án, các chủ đầu tư được phép vốn hóa chi phí lãi vay này vào giá trị tài sản, được ghi nhận chi phí phát triển dự án ở hạng mục hàng tồn kho. Các chi phí này sẽ được phân bổ dần vào giá vốn thay vì hạch toán vào chi phí lãi vay.

Còn số tiền lãi vay thực tế doanh nghiệp đã trả trong kỳ báo cáo được ghi nhận trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, ở khoản mục có mã số 14 (theo phương pháp gián tiếp) hoặc khoản mục có mã số 04 (theo phương pháp trực tiếp).

Do vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản ghi nhận chi phí lãi vay trong kỳ rất nhỏ nhưng thực tế lãi vay đã trả rất lớn. 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm