Kỹ năng sống

Viện dưỡng lão bất ngờ nổi tiếng, người già thành ngôi sao​

Đằng sau sự thành công đó là Chen Zhou, 29 tuổi, giám đốc Viện dưỡng lão Jingya, ở quận Nam Khai, Thiên Tân. Anh đã phá vỡ định kiến về viện dưỡng lão truyền thống.

Viện dưỡng lão bất ngờ nổi tiếng, người già thành ngôi sao

Chen Zhou (đội mũ) cùng các cụ trong viện dưỡng lão Thiên Tân. Ảnh: Zhuanlan

Trước đây Chen làm việc trong ngành may mặc, từ tháng 3 bắt đầu tiếp quản Viện dưỡng lão Jingya. Ban đầu Chen nghĩ viện dưỡng lão sẽ nhàm chán, ảm đạm, nhưng khi đến anh đã phát hiện người già rất dễ thương, cuộc sống rất thú vị.

Cũng từ lúc đó, anh giám đốc trẻ quyết định làm video về các cụ đăng lên mạng xã hội. "Lúc đầu tôi chỉ muốn ghi lại và truyền bá cuộc sống hàng ngày vui vẻ và hạnh phúc của các cụ. Sau đó tôi bắt đầu tạo 'bắt trend', tạo ra các câu chuyện tích cực và lạc quan", Chen chia sẻ. Anh tự lên kịch bản, quay phim, biên tập.

Ban đầu hiệu ứng không lớn. Tuy nhiên, sau khi ra mắt loạt video "Trải nghiệm lớp học hóa học", với hình ảnh một bà giáo già và các học sinh 70, 80 tuổi mặc đồng phục đã tạo ra bước ngoặt đưa Viện dưỡng lão Jingya nổi tiếng.

Video được yêu thích nhất là cô giáo Yu yêu cầu học sinh Carl xác định các thành phần của khí khi "xì hơi". Ông Carl hít một hơi thật sâu rồi nói nói hydro sulfua (H2S) là một loại khí độc và cách đúng đắn nhất là quạt để xua nó đi. Trong cảnh tiếp theo, trước cổng Nam Thiên, Đức Phật hỏi Carl: "Làm thế nào bạn đến được đây?". Carl chắp tay sau lưng trả lời: "Cô giáo hóa học bảo tôi đến".

Đặc biệt series "Nhận thức về thế giới" đã thúc đẩy lượng truy cập vào kênh. Các cụ đưa ra những quan điểm dành cho thế hệ trẻ nhưng không giáo điều, khuyên nhủ, ví như như "Đừng nghe lời khuyên của người già", "Đừng tự trách mình ngủ quên, vì bạn không thể tạo ra nhiều giá trị nếu dậy sớm".

Quá trình quay video đã thay đổi cuộc sống của những người già trong viện dưỡng lão. Giáo viên dạy hóa học là bà Yu Youfang, năm nay 90 tuổi, từng dạy tại trường trung học cơ sở Thiên Tân Yaohua. Bà còn minh mẫn, là người chủ động vào viện dưỡng lão lão. Sau loạt video, nhiều bạn bè và các thế hệ học trò đã liên lạc hỏi thăm bà.

"Tôi chỉ nghĩ chơi cho vui, không ngờ lại nhận được nhiều chú ý tới vậy", bà nói.

Viện dưỡng lão bất ngờ nổi tiếng, người già thành ngôi sao - 1

Chen và giáo viên Yu, tại Viện dưỡng lão Thiên Tân tháng 10/2023. Ảnh: Tianmunews

Với mái tóc trắng và cặp kính gọng đen, ông Carl, tên thật Chen Weizhen là nhân vật chính trong một số video khác. Cũng như bà Yu, ban đầu ông tham gia quay video ngắn với mục đích giải trí nhưng không ngờ lại trở thành "hit" ngay lập tức. Có người hâm mộ đã vượt hơn 100 km từ Bắc Kinh đến để gặp ông.

Ông Carl từng mắc bệnh hiếm gặp và thoát chết trong gang tấc, nên coi quãng thời gian còn lại của cuộc đời là tận hưởng, sống vui. Mỗi chiều ông thường hát karaoke ở một quán gần viện dưỡng lão, giá 10 tệ một lần, được tặng thêm một bình trà.

Viện trưởng Chen Zhou cho biết trầm cảm và cô đơn là tình trạng rất phổ biến ở người già ở đây. Trong trung tâm có ông Bob, một chủ doanh nghiệp ở Hong Kong mới 62 tuổi, đáng lý đang tận hưởng cuộc sống nghỉ hưu nhưng do bị nhồi máu não do biến chứng của tiểu đường vào năm 46 tuổi, dẫn đến liệt nửa người. Mẹ ông qua đời, vợ ly dị và con gái đã gửi cha vào đây. Lúc vào trung tâm ông hút 3-4 gói thuốc lá mỗi ngày, đến nỗi các ngón tay vàng khè.

Nhưng khi tham gia diễn xuất, ông nói chuyện nhiều hơn và giờ rất háo hức. Có lần khi đang quay bộ phim "Sách sinh tử", giáo viên Yu dùng bút gạch bỏ từng người đã chết trong sổ. Cuốn sổ địa chỉ trở thành sổ sự sống và cái chết. Bob đột nhiên nói thêm một câu: "Tôi muốn xé bỏ cuốn sách sinh tử".

"Lúc đó tôi rất bất ngờ. Ông ấy nói vậy có nghĩa muốn kiểm soát vận mệnh của chính mình", Chen chia sẻ.

Bà Li, người xuất hiện trong các video đầu tiên cũng đang thay đổi tích cực. Thời trẻ bà là một nữ công nhân nhà máy dệt, tháo vát nuôi nấng các con, các cháu. Hơn 80 tuổi phải ngồi xe lăn, bà nhận ra mình không còn giá trị, ý thức về bản thân giảm sút, hay gây chuyện rắc rối cho con cháu.

Khi mới vào viện dưỡng lão, mỗi ngày bà phải uống bốn loại thuốc trị trầm cảm, mất ngủ và các bệnh khác, ngày nào bà cũng đẩy xe đi khắp nơi mà không nói chuyện với ai. Đến khi Chen hướng máy ảnh vào, anh nhận ra bà thực sự rất biểu cảm. Dù mù chữ, không nói được câu thoại phức tạp, bà vẫn cố gắng tập các câu thoại ngắn và dần tự tin, cởi mở khi thấy mình có giá trị.

Sau khi video lan truyền, hầu hết các cụ bắt đầu thu hút được sự chú ý trở lại từ gia đình hoặc bạn bè. Thế hệ con cháu biết ông bà, cha mẹ mình đang sống tốt trong viện dưỡng lão. Một số người bạn cũ bắt đầu liên lạc lại.

"Người già cần sự quan tâm này. Trên thực tế nhu cầu vật chất, điều kiện sống của họ không quá cao. Nhưng nhu cầu được giao lưu và thấy mình có giá trị của họ thường bị bỏ qua", Chen nói.

Hiện quay video là công việc của cả viện dưỡng lão. Người không muốn lên hình cũng sẽ theo dõi quá trình thực hiện. Mỗi ngày viện dưỡng lão Jingya như một rạp hát sôi động.

Tại sao nhiều người cao tuổi cảm thấy dễ chịu và lạc quan qua những đoạn video ngắn? Chen nghĩ đó là vì họ có sự quan tâm và chú ý.

"Qua những bình luận tích cực trên mạng xã hội, các ông bà phát hiện trên thế giới có rất nhiều lòng tốt, sự tử tế từ những người xa lạ. Đây là điều mà hầu hết họ chưa từng trải qua trong phần lớn cuộc đời trước đây", Chen nói.

Xem video viện dưỡng lão:

(Theo Zhuanlan/Tianmunews)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm