Nhiều người dùng Internet phát hiện Google cũng đặc biệt quan tâm đến việc hợp nhất của Ethereum khi hiển thị thông tin liên quan và đồng hồ đếm ngược đến ngày The Merge diễn ra.
Khi nhập từ khóa "Ethereum merge" hoặc "The Merge" vào thanh tìm kiếm, Google trả về một hộp thông tin đếm ngược đến ngày hợp nhất 15/9 cùng các thông tin liên quan như tỷ lệ băm khi khai thác ETH, độ khó hợp nhất... Bên trái là hình ảnh của hai con gấu màu đen trắng đang chạy về phía nhau với đôi tay dang rộng.
Trên trang Twitter cá nhân, nhà phát triển Google Cloud Sam Padilla cho biết càng gần ngày 15/9, hai con gấu càng xích lại nhau hơn. "Bộ đếm ngược là một bất ngờ nhỏ để thể hiện sự đánh giá cao của chúng tôi đối với một việc đã được tiến hành trong nhiều năm như The Merge", Padilla nói. "Toàn bộ thông tin liên quan đến thời gian đếm ngược, hashrate... đều lấy trực tiếp từ blockchain".
Trong khi đó, một thống kê gần đây của CoinGecko cho thấy Singapore là quốc gia quan tâm nhất đến The Merge, tiếp đến là Thụy Sĩ, Canada, Đức, Mỹ và Hà Lan.
The Merge là gì?
Ethereum được lập trình viên Vitalik Buterin phát triển năm 2013 khi mới 19 tuổi, nhằm tạo ra hệ thống tiền số linh hoạt hơn Bitcoin và có khả năng thực hiện các giao dịch tài chính nhanh chóng.
Trong giao dịch truyền thống, ngân hàng đóng vai trò trung gian giữa bên chuyển và nhận tiền. Tiền số vận hành không có bước trung gian này, mọi giao dịch được xác thực bởi mạng lưới máy tính phân tán. Bất kỳ ai cũng có thể dùng máy tính kết nối vào mạng Ethereum để chạy phần mềm giải toán phức tạp để xác thực giao dịch. Các máy tính phải chạy đua với nhau, bên giải nhanh nhất sẽ được mạng lưới trả công bằng đồng tiền số mới.
Quy trình xác thực này gọi là bằng chứng công việc (PoW), hay nói thông dụng là đào tiền số, và tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Lượng điện các máy đào tiền số sử dụng trong một năm có thể vượt xa mức tiêu thụ năng lượng hàng năm của một số quốc gia.
Ngay từ 2014, khái niệm về The Merge đã xuất hiện khi Buterin đề xuất chuyển mạng lưới Ethereum từ PoW sang phương thức bằng chứng cổ phần (PoS). Tuy nhiên, quá trình này rất phức tạp nên tiến độ tương đối chậm chạp do phải xây dựng blockchain mới, chạy thử nghiệm nhằm tìm kiếm lỗ hổng bảo mật và vấn đề kỹ thuật có nguy cơ làm gián đoạn mạng lưới.
Ban đầu, đợt chuyển sang PoS dự kiến diễn ra đầu 2016. Sau đó, giới tiền số tin The Merge sẽ được triển khai vào tháng 6, nhưng rồi bị lùi sang tháng 8 và tiếp tục hoãn đến ngày 15/9.
Vì sao The Merge được quan tâm?
Theo Decrypt, mọi sự chú ý trong thế giới tiền điện tử đang đổ dồn về sự kiện hợp nhất chứ không chỉ có thợ đào Ethereum. The Merge đặc biệt quan trọng với công nghệ blockchain, người dùng NFT, Web3 và cả các nhà quản lý. Thậm chí những nhà sản xuất bán dẫn, card đồ họa lẫn công ty Internet truyền thống cũng đang hồi hộp theo dõi sự kiện này.
Lý do đầu tiên là vì Ethereum đang là nền tảng Internet phi tập trung lớn nhất thế giới với hệ sinh thái Web3 sôi động. Nhà sáng lập Buterin cho biết đã chuẩn bị cho sự kiện ngày trong nhiều năm qua. Hợp nhất đồng nghĩa việc nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống phi tập trung khổng lồ với giá trị thị trường lên đến 200 tỷ USD.
Theo dữ liệu của Ouke Cloud Chain, Ethereum đang thu hút hơn 3.000 nhà phát triển và hàng triệu người dùng. Hệ sinh thái có hơn 400 dự án DeFi, 130.000 hợp đồng NFT và hơn 7.500 nút đang hoạt động. Tất cả sẽ cùng chứng kiến và tham gia vào quá trình nâng cấp này.
Kết quả của đợt hợp nhất này cũng sẽ trả lời nhiều câu hỏi quan trọng như: Ethereum có khả năng tự hoàn thiện không? Liệu nó còn là nền tảng Internet phi tập trung an toàn và lành mạnh nhất hay không?
Thứ hai, sự kiện hợp nhất khiến nhiều công ty truyền thống cũng bị ảnh hưởng. Với tư cách là "thành viên" của cơ chế PoW, Nvidia là một trong những nhà sản xuất card đồ họa sẽ chịu ảnh hưởng nhất từ sự kiện này. Báo cáo từ Guosheng Securities cho thấy, trong quý VI/2021, 45% doanh thu của Nvidia là từ khách hàng chơi game và giới khai thác tiền số, tương đương 3,4 tỷ USD.
Trong quý đầu 2022, đối thủ của Nvidia là AMD cũng thông báo 54% doanh thu đến từ các sản phẩm máy tính và card đồ họa, trong đó có VGA "đào" tiền số. Theo Guosheng Securities, Nvidia và AMD không tách riêng mảng khai thác tiền số trong báo cáo, nhưng nhìn vào cơn sốt card đồ họa do thợ đào thao túng, có thể thấy thị trường này đang chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ.
Huang Renxun, Giám đốc điều hành Nvidia, thừa nhận: "GPU của chúng tôi hỗ trợ siêu máy tính phân tán lớn nhất thế giới, đó là lý do tại sao nó rất phổ biến trong lĩnh vực tiền điện tử".
Tuy nhiên, không chỉ Nvidia hay AMD bị ảnh hưởng sau sự kiện. Bloomberg đánh giá: "Một trong những tác động quan trọng của việc hợp nhất Ethereum là loại bỏ các thợ đào khỏi mạng lưới". Có nghĩa, hàng nghìn thợ đào tiền số và hàng trăm công ty lớn nhỏ trong thị trường sẽ lao đao. Công ty nghiên cứu Messari ước tính ngành khai thác Ethreum toàn cầu đang có trị giá khoảng 19 tỷ USD.
The Verge dẫn lời Giám đốc điều hành của một công ty khai thác tiền điện tử, cho biết: "Việc hợp nhất Ethereum sẽ buộc các thợ đào phải tìm đến các mạng blockchain nhỏ hơn, từ đó sinh ra tình trạng quá tải, tăng độ khó, giảm lợi nhuận khai thác và cuối cùng là phá sản".
Cuộc chiến niềm tin
Việc lựa chọn PoW hay PoS không chỉ là cuộc chiến về lợi ích mà còn là cuộc chiến về niềm tin. PoW đang là cơ sở cho hoạt động của Bitcoin, Ethereum và nhiều blockchain khác. Hoạt động của Ethereum hiện nay được thực hiện bởi các thợ đào hoặc các nhóm khai thác hoạt động như các nút, cung cấp sức mạnh tính toán cho toàn bộ hệ thống thông qua khai thác.
Vấn đề của cơ chế PoW là tốn quá nhiều điện năng để vận hành máy đào. Điều này khiến blockchain bị mang tiếng xấu là không thân thiện với môi trường. Nhiều người nói họ sẵn sàng sở hữu một NFT nhưng vì công nghệ này tiêu tốn quá nhiều năng lượng nên họ từ chối sử dụng.
Nếu chuyển sang cơ chế PoS, Ethereum dự kiến tiết kiệm 99,96% năng lượng. Blockchain sẽ trở nên xanh và thân thiện hơn với người dùng. Đó là bước đệm quan trọng giúp công nghệ này được phổ biến hơn trong đời sống.
Theo Digieconomist, Ethereum tiêu thụ khoảng 83,80 TWh mỗi năm - tương đương lượng điện năng của cả đất nước Phần Lan. Còn với Bitcoin, con số này rơi vào khoảng 128,31 TWh mỗi năm, đủ cho người dân Na Uy dùng trong một năm. Bitcoin vẫn hoạt động trên cơ chế PoW và không có kế hoạch chuyển sang PoS như Ethereum.
Các chuyên gia đánh giá Ethereum đang dẫn đầu làn sóng DeFi, NFT và đang tích cực truyền bá về Web3. Nếu việc hợp nhất thành công, các nhà phát hành Ethereum sẽ có bước tiến quan trọng trong việc đưa khái niệm phân quyền, phi tập trung vào thế giới Internet truyền thống. Việc tiết kiệm năng lượng cũng có thể giúp Ethereum được nhiều người đón nhận hơn, đe dọa đáng kể đến vị thế của Bitcoin.
Sự kiện The Merge được ấn định vào ngày 15/9. Sự quan tâm ngày một lớn của cộng đồng khiến kẻ xấu đang liên tục mạo danh tài khoản của người đồng sáng lập Vitalik Buterin và các nhà đầu tư trên Twitter để lừa đảo. Cointelegraph thống kê ít nhất sáu tài khoản Twitter giả Buterin để đăng bài quảng cáo, tặng quà là ETH nhằm đánh cắp ví của người dùng. Một số khác còn mạo danh quỹ Ethereum để trục lợi.