Bất động sản

Mưu sinh trên hồ Hòa Bình: Gặp "vua" Đảo Dừa

“Ngọc xanh” giữa lòng hồ

Con thuyền nhỏ lại đưa chúng tôi lướt nhẹ trên mặt hồ Hòa Bình. Từ xa, Đảo Dừa (xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc) xuất hiện với màu xanh mướt của dừa, tràm, bưởi… Trên bờ, ông Nguyễn Đình Tuy đang cùng các con gom đống củi khô. Thuyền tấp vào, ông Tuy liền phủi bụi trên tay ra đón. “Cuối tuần có nhiều sinh viên lên nghỉ, phải chuẩn bị củi cho các cháu đốt lửa trại”, vừa nói ông vừa dẫn chúng tôi vào nhà uống nước.

Trong hương chè thơm phức giữa không gian yên tĩnh, khí hậu trong lành, ông Tuy tâm sự: “Tôi sinh ra ở Đan Phượng, Hà Tây cũ; trưởng thành, lên Hòa Bình lập nghiệp. Ngày xưa, tôi là tay buôn gỗ khét tiếng và được xem là “đại gia”. Nhưng vì thích giao lưu, cờ bạc, bao của cải làm ra đều trôi theo dòng sông Đà”, ông Tuy nói. “Vì đỏ đen, tôi làm ra tiền “núi”, nhưng cũng phá sạch. Rồi đến ngày cạn túi, vốn liếng vơi dần, tôi dắt dìu vợ con về quê. Nhưng về quê vẫn chứng nào, tật ấy, cờ bạc suốt ngày. Khi tiền bạc không còn đồng nào, tôi giật mình suy nghĩ, không thể trượt dài với cách sống đó được nữa và quyết định khăn gói rời quê cha, đất tổ lần thứ hai”, ông kể.

Cơ duyên nào đưa ông đến với vùng đất này? Ông Tuy chia sẻ: Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông xem phim “Đơn giản, tôi là Maria”, thấy người Mexico thường ngày sinh sống, làm việc ở thành phố, cuối tuần lại về vùng quê nghỉ dưỡng. Và, ông thích một cuộc sống hoàn toàn nghỉ dưỡng như vậy.

Nghĩ là làm, ông lái tàu dọc lòng hồ, gặp một hòn đảo có địa hình bằng phẳng, không cần phải san ủi nhiều, diện tích cũng vừa vặn để thỏa chí “sống xanh”. Ngày đó, bao nhiêu vốn liếng còn sót lại ông đã cùng người vợ hiền và 4 người con, thuê thêm nhân công dốc toàn lực dọn dẹp suốt một tháng. Sau bao vất vả, gian nan, cuối cùng căn nhà nhỏ cũng được dựng lên, cuộc sống dần ổn định. Vợ con chăm lo trồng rau, nuôi gà. Cá thì lúc nào cũng sẵn dưới hồ.

Là người ăn to nói lớn, nhưng tâm hồn ông cũng rất lãng mạn. Những buổi trưa tĩnh lặng, ông ngồi trước hiên nhà nhỏ ngắm nhìn non nước. Ông nhận thấy, lòng hồ có một vẻ đẹp kỳ vĩ, non nước hữu tình, thiên nhiên trong lành, trước sau gì cũng trở thành điểm du lịch. Từ đó, ông đã nghĩ về một viễn cảnh hòn đảo của ông sẽ trở thành điểm du lịch và ống muốn tạo dấu ấn riêng cho hòn đảo.

Mưu sinh trên hồ Hòa Bình: Gặp 'vua' Đảo Dừa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Tuy

“Cùng với Mai Châu, Thung Nai, đền Chúa Thác Bờ, động Thác Bờ, hồ Hòa Bình với những rặng núi biếc xanh soi bóng, nước trong xanh như ngọc. Đấy là tiềm năng của du lịch”, ông nhớ lại suy nghĩ của mình lúc đó. Từ ý tưởng đó, ông lặn lội vào Thanh Hóa mua 100 cây dừa về trồng trên đảo. Những rặng dừa bén rễ, xanh tốt, hằng năm đều cho quả ngọt. Từ đó, ông đặt tên hòn đảo của mình là “Đảo Dừa”. Thế rồi, ông tiếp tục mua thêm 100 cây nữa để về trồng tạo nên vành đai dừa quanh đảo.

Vốn là người năng động, sáng tạo, khi cuộc sống đã ổn định, ông để Đảo Dừa lại cho vợ con trông nom, rồi ngược hồ lên Sơn La buôn bán lương thực. Vừa nói, ông Tuy vừa chỉ xuống 4 chiếc thuyền đang đậu ở bên và nói: “Con thuyền nằm ở giữa, ngày xưa tôi chở 96 tấn ngô từ Sơn La về Hòa Bình bán. Giờ tôi đã xin giấy phép cải tạo lại để làm thuyền du lịch. Ngày đó, việc buôn bán lời lãi bao nhiêu ông gom góp mua thêm đất và thuê người trồng cây, gây rừng.

Chỉ tay về phía quả đồi xanh mướt, ông nói: “Trước đây là đồi trọc, nhưng bằng sức lao động, nó mới thành rừng. Đất đai là thứ tồn tại mãi, có giá trị vĩnh cửu; mồ hôi đổ xuống, đất sẽ cho quả ngọt. Hơn 20 năm trước, trang trại nông - lâm - thủy sản của tôi trở thành điển hình kinh tế hộ gia đình của tỉnh này”.

Chủ tịch nước thăm gã trồng rừng

Rảo bước dưới rặng dừa, xen với những ngôi nhà sàn, xa xa là cánh rừng xanh và vườn bưởi trĩu quả, ông Tuy tâm sự: “Anh thấy đấy, những dự tính của tôi ngày xưa nay đã trở thành hiện thực. Từ năm 2010, bắt đầu khách du lịch lên hồ Hòa Bình và từ những cái mình gây dựng bấy lâu, tôi chuyển hướng làm du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho các con và xây dựng thương hiệu Đảo Dừa trở thành điểm du lịch được nhiều người biết đến”.

Nay đã ở cái tuổi “thất thập, cổ lai hi”, ông lùi về “hậu trường”. Mọi việc kinh doanh đều chuyển cho các con, ông chỉ là người đưa ra các định hướng kinh doanh lớn. Khi được hỏi với sự phát triển du lịch của lòng hồ Hòa Bình đã có doanh nghiệp nào ngỏ ý muốn hợp tác chưa? Ông bảo: “Cũng có một số doanh nghiệp đặt vấn đề. Nhưng tôi muốn đi theo con đường riêng của mình. Tôi sợ con cháu mình sẽ không đọ sức được với các ông chủ doanh nghiệp. Nếu bị “thâu tóm” có khi Đảo Dừa sẽ không còn. Tôi có nhiều kỷ niệm ở đây, mồ hôi của tôi và vợ con đã thấm xuống hòn đảo này, nên tôi hoạch định phát triển hòn đảo theo cách của mình”, ông nói.

Mưu sinh trên hồ Hòa Bình: Gặp 'vua' Đảo Dừa - Ảnh 2.

Những homestay được ông Tuy xây dựng dưới những tán dừa

Ông Tuy bồi hồi nhớ về ngày 9/3/2001, là ngày có vinh dự rất lớn của gia đình mà ông không bao giờ quên được. Hằng năm, đến ngày đó, ông lại làm mấy mâm cơm mời anh em, họ hàng, con cháu chung vui. Ông Tuy kể: “Ngày 8/3/2001, cán bộ địa phương báo trước với gia đình tôi rằng sắp có đoàn công tác đến thăm và ngày 9/3/2001, tôi không thể ngờ được Chủ tịch nước Trần Đức Lương, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Hòa Bình đến thăm. Hôm đó, Chủ tịch nước tặng gia đình tôi 1 triệu đồng”.

Lúc trồng rừng, ông chỉ nghĩ đơn giản muốn có một không gian sống xanh, yên bình cho gia đình, giúp ông “cai” cờ bạc. Nhưng khi Chủ tịch nước về thăm, ông đã nhận ra giá trị và ý nghĩa của việc mà mình đã làm.

Ông là con người từng trải, đã vượt qua bao thăng trầm của đời người, nhưng nhắc lại những kỷ niệm hình như khiến lòng ông bùi ngùi và rơi những giọt nước mắt vì hạnh phúc. Ông nói: “Năm 2014 cũng là năm tôi không bao giờ quên. Vào tháng 1/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký quyết định Đảo Dừa là một trong những điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Hòa Bình. Đến lúc này, tôi cảm nhận hòn đảo của mình không còn là giá trị của riêng gia đình mình nữa mà nó được lan tỏa, trở thành một thương hiệu du lịch của tỉnh, một điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế”, ông Tuy bộc bạch.

Đảo Dừa có diện tích 11 héc ta. Ông Nguyễn Đình Tuy đã đầu tư xây dựng 20 ngôi nhà sàn làm nơi lưu trú cho khách du lịch. Ông còn đầu tư đóng 5 tàu chở khách thăm các điểm du lịch trên hồ Hòa Bình. Trước năm 2020, mỗi tuần ông đón 200 khách ăn, khoảng 50 khách nghỉ lại.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm