Anh Nguyễn Văn Tình, quê ở Hà Tĩnh vào Bình Dương làm công nhân đã hơn 5 năm và cho biết, hiện nay anh đã có nhà ở “quê hương thứ hai”. “Tôi làm việc ở một công ty chuyên về gỗ tại thành phố Dĩ An, lương 7 triệu đồng/tháng. Với tiền lương nhận được, sau khi chi tiêu, mỗi tháng tính toán còn dư hơn 2 triệu đồng. Số tiền dư tôi nhờ công ty giữ lại để cuối năm nhận một lần”, anh Tình chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam cho biết, DN hiện có hơn 1.000 lao động đang làm việc. Công đoàn công ty luôn chủ động phối hợp với lãnh đạo DN đưa ra các chính sách phúc lợi chăm lo cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống, tránh vướng tín dụng đen. “Công đoàn tham mưu và được ban giám đốc DN chấp thuận thành lập Quỹ hỗ trợ công nhân lao động và duy trì hoạt động nhiều năm qua, giúp công nhân vượt khó khăn”, ông Vinh cho biết.
Doanh nghiệp hỗ trợ công nhân vay tiền Ảnh: Đình Hoa
Theo ông Vinh, những công nhân gặp khó khăn đột xuất về tài chính sẽ được Quỹ hỗ trợ cho vay không tính lãi. Hạn mức vay đến 20 triệu đồng, khoản vay được trừ dần vào 20% lương hằng tháng. Công nhân có hoàn cảnh khó khăn cần tiền để đóng học phí cho con, mua xe máy để có phương tiện đi làm, sửa nhà... sẽ được xem xét vay hạn mức cao hơn.
Hiệu quả từ mô hình tích lũy lương
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan (làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam, Bình Dương) cho biết, DN có chính sách giữ tiền cho công nhân và cho vay vốn không tính lãi. “Ở công ty gần như không có ai tìm đến “tín dụng đen” vì ở đây thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng/người. Mặt khác, khi ai đó cần tiền, công ty cho vay không tính lãi”, chị Lan cho biết.
Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, để hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương ước có hơn 93.739 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Đại diện Công ty TNHH Khang Trang (Bình Dương) cho biết thêm: “Chúng tôi trích nguồn tiền để làm quỹ hỗ trợ vay vốn không tính lãi cho người lao động. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích công nhân góp lương hằng tháng tùy vào khả năng, đến cuối năm họ sẽ nhận lại toàn bộ số tiền đã góp. Trung bình mỗi công nhân lương tháng 8 triệu đồng, có người đóng đến gần một nửa số lương nhận được. Một số công nhân cuối năm nhận hơn 100 triệu đồng, những người khác thấy hiệu quả nên tham gia”, vị này cho hay.
Theo ông Đinh Hải Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Hưng Phước, nhiều công nhân không biết cách quản lý tài chính, có bao nhiêu dùng hết, dẫn đến khi gặp sự cố cần tiền phải tìm đến vay “tín dụng đen”. “Nhiều công nhân không muốn công ty giữ lại tiền vì sợ xảy ra sự cố khó đòi. Tuy nhiên, khi DN giữ tiền của công nhân đều có giấy tờ cam kết. Theo tôi, việc DN cho người lao động vay tiền cũng là cách hay để vừa giúp họ vượt qua khó khăn vừa giữ chân nhân lực”, ông Ninh nói.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Rochdale Spears (Bình Dương) cho biết, để lao động tránh “tín dụng đen”, đơn vị đã chủ động phối hợp với tổ chức triển khai, giới thiệu cho đoàn viên công nhân có nhu cầu vay vốn lãi suất 0 đồng. Theo ông Hoa, công ty có hơn 1.000 lao động, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào vướng “tín dụng đen”.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua đã triển khai chính sách hỗ trợ cho lao động và người sử dụng lao động với nguồn vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, không có tài sản bảo đảm, lãi suất 0%. Ngoài ra, có hơn 120 DN trên địa bàn Bình Dương được giải ngân hơn 530 tỷ đồng để phục hồi sản xuất.