Nhiều năm nay, sếu đầu đỏ hầu như đã không về Vườn quốc gia Tràm Chim như trước - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Theo đó, công văn nêu rõ: Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã Lào đã thống nhất chuyển giao 2 cá thể sếu đầu đỏ (Grus antigone) cho Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp với mục đích bảo tồn, nhân nuôi và phát triển.
Sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm thuộc nhóm IB theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; đồng thời thuộc phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Đồng Tháp đang được quan tâm, trong đó Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi sinh sống của nhiều loài chim quý, hiếm trong đó có sếu đầu đỏ. Đồng thời, sếu là biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim, việc đưa loài này trở lại Tràm Chim là phù hợp với sinh cảnh sống của loài, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững sếu đầu đỏ.
Tuy nhiên, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 29 có quy định: "Dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh) đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép…".
Sắp tới Đồng Tháp sẽ tổ chức cho nuôi, cho đẻ, huấn luyện sếu để thả ra hoang dã như ở Thái Lan - Ảnh: AP News
Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Vườn quốc gia Tràm Chim xây dựng dự thảo Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032; đồng thời, thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường sinh thái.
"Ngày 16-4-2021 vừa qua, tại Vườn quốc gia Tràm Chim ghi nhận 1 gia đình sếu đầu đỏ gồm 3 cá thể (2 con trưởng thành và 1 con non) về tại bãi năng thuộc phân khu A4 Vườn quốc gia Tràm Chim. Do đó, UBND tỉnh Đồng Tháp nhận thấy môi trường sinh thái tại Vườn quốc gia Tràm Chim đang phục hồi và phát triển đảm bảo đủ điều kiện cho việc bảo tồn, nhân nuôi, phát triển và tái thả lại môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim", văn bản nêu.
Để phục hồi đàn sếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu 2 cá thể sếu đầu đỏ từ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong trường hợp đặc biệt nhằm phục vụ công tác bảo tồn, nhân nuôi, phát triển và thả lại môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Cũng theo công văn này, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết nếu được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ giao các ngành liên quan làm việc với cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phía đối tác Lào để tiến hành các thủ tục nhập khẩu và tiếp nhận sếu đầu đỏ theo quy định pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Lãnh đạo Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết trong 3 năm gần đây sếu đầu đỏ hầu như không về, nếu có khoảng 1 - 3 con/năm. Hiện tại đơn vị này đang khẩn trương cải tạo khu A4 và khu 5 để phục vụ cho việc bảo tồn, phát triển loài sếu.