Công nghệ

Vì sao lừa đảo ngân hàng ngày càng tăng

Tại sự kiện Smart Banking 2022, diễn ra ngày 11-12/10 ở Hà Nội, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đánh giá dù đã có kết quả bước đầu khả quan trong chuyển đổi số, ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức. Trong đó, xu hướng tội phạm công nghệ cao từ khắp nơi trên thế giới, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, là một trong những thách thức lớn, bên cạnh các bài toán về đầu tư hiệu quả hay sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, với sự chuyển dịch mạnh mẽ lên môi trường số cùng khối lượng dữ liệu khổng lồ, ngành tài chính - ngân hàng đang trở thành đích ngắm hàng đầu của tội phạm mạng.

Các kỹ sư an toàn thông tin của nhiều ngân hàng tham gia diễn tập phòng thủ tại sự kiện Smart Banking 2022. Ảnh: Lưu Quý

Các kỹ sư an toàn thông tin của nhiều ngân hàng tham gia diễn tập phòng thủ tại sự kiện Smart Banking 2022. Ảnh: Lưu Quý

Về vấn đề lừa đảo liên quan đến tài khoản ngân hàng của người dùng, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng Giám đốc VinCSS, nhận định các vụ tấn công có xu hướng tăng về số nạn nhân cũng như mức độ thiệt hại. "Nguyên nhân ban đầu được quy về nhận thức của người dùng, từ đó tập trung cảnh báo, tuyên truyền để mọi người nâng cao nhận thức. Nhưng sau đó, nạn nhân vẫn ngày càng nhiều và thiệt hại càng lớn", ông Trác nói.

Trên thế giới, vụ việc điển hình là gần 800 khách hàng của ngân hàng OCBC Singapore bị lừa thông qua tin nhắn mạo danh, với thiệt hại hơn 10,1 triệu USD đầu năm nay. Thống kê của tổ chức APWG cho thấy các cuộc tấn công phishing tăng từ hơn 250 nghìn lên gần 400 nghìn trong gian đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022. Trong đó, 27,6% cuộc tấn công nhắm đến lĩnh vực tài chính. Tại Việt Nam, nhiều trường hợp người dùng bị dụ cung cấp thông tin đăng nhập qua web giả mạo, cài malware lên thiết bị để chiếm mã đăng nhập đã được ghi nhận thời gian qua.

Theo chuyên gia bảo mật của VinCSS, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là ngành tài chính - ngân hàng luôn là mục tiêu số một của của tin tặc do nguồn tiền lớn, khiến kẻ xấu sẵn sàng gia tăng đầu tư các hình thức tấn công, phổ biến như phishing, mã độc, tấn công phi kỹ thuật.

Các ngân hàng cũng đang chạy đua chuyển đổi số, nhưng một số nơi chưa thật sự quan tâm và đầu tư có chiều sâu về bảo mật, làm gia tăng bề mặt tấn công, tạo cơ hội cho tin tặc. Ngoài ra, tin tặc cũng chuyển hướng tấn công nhắm vào mắt xích yếu nhất của chuỗi bảo mật là người dùng cuối.

"Công nghệ định danh và xác thực mà phần lớn các ngân hàng Việt Nam đang sử dụng không đủ bảo vệ triệt để người dùng khỏi các kiểu tấn công phổ biến", ông Trác nói. Theo ông, các hình thức như xác thực phổ biến hiện nay dựa trên mật khẩu và OTP đã lỗi thời, cần được thay thế bằng giải pháp mới tiên tiến hơn.

Ngành ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số

Bên cạnh các thách thức và những vấn đề còn tồn tại, ngân hàng vẫn được đánh giá là ngành chuyển đổi số mạnh mẽ nhất. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết trong thời gian qua, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...

Theo ông, nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Các công nghệ phổ biến của Cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn... đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số.

Ông Lê Hồng Việt, CEO FPT Smart Cloud, cũng đánh giá AI đang được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của ngân hàng từ chăm sóc khách hàng đến quản trị rủi ro, vận hành. Tuy vậy, có ngân hàng dễ dàng triển khai AI, nhưng cũng có bên thận trọng do liên quan đến vấn đề dữ liệu, con người... Theo ông, các ngân hàng và tổ chức tài chính nên mạnh dạn thử nghiệm những công nghệ mới như AI và Cloud bởi còn nhiều tiềm năng chưa khai phá hết, nhưng cũng cần cơ chế đánh giá hiệu quả, rủi ro khi triển khai, đi cùng với chiến lược sáng tạo công nghệ xuyên suốt.

Tại sự kiện, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là "huyết mạch" của nền kinh tế. Do đó, tại Nghị quyết 52, ngân hàng được xác định là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Ngân hàng cũng là ngành đầu tiên công bố ngày chuyển đổi số của ngành (11/5). Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực.

"Kinh nghiệm chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững của ngành Ngân hàng sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loài