Sáng nay, trong khi thị trường chung chịu áp lực bán, VN-Index giảm gần 20 điểm ngay sau ATO, các mã dầu khí lại trở thành điểm sáng hiếm hoi. Cổ phiếu "họ P" của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) và của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) tăng hơn 2% khi mở cửa, nới rộng đà tăng lên gần 4% vào giữa phiên sáng. Cổ phiếu của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL) và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng vượt xa tham chiếu.
Thực tế, đà tăng của nhóm này chỉ mới xuất hiện trong ba tháng gần đây. Trong năm 2021, khi thị trường chứng khoán nói chung khởi sắc với nhiều đợt sóng, dầu khí chưa từng được nhắc đến. Một phần vì thế giới vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhu cầu với dầu thô chưa đột biến dẫn tới giá dầu ít được chú ý..
Tuy nhiên, những tháng gần đây, "vàng đen" trở thành tâm điểm. Căng thẳng địa chính trị leo thang, dự báo cầu vượt cung với dầu thô khi các nền kinh tế mở cửa trở lại đã đẩy giá dầu tăng cao và cổ phiếu dầu khí được chú ý.
Các mã dòng P hay các cổ phiếu dầu khí khác tăng giá hai chữ số chỉ sau vài tháng. Đà tăng được dự báo tiếp tục nếu giá dầu còn tăng mạnh.
Trong phiên sáng nay, đà tăng của nhóm này được hỗ trợ trực tiếp bởi thông tin giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh, tiến sát ngưỡng 100 USD.
Giá dầu Brent kết thúc tuần trước ở mức 94,44 USD mỗi thùng, tuần tăng giá thứ tám liên tiếp, trong khi giá dầu WTI đạt hơn 93 USD. Sáng 14/2, dầu Brent và WTI tiếp tục nới rộng đà tăng, lên ngưỡng 95-96 USD mỗi thùng.
Ben Cahill, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington (Mỹ), cho rằng căng thẳng Nga - Ukraine đang đẩy thị trường dầu đến "tình trạng nguy khốn" và giá có thể vượt ngưỡng 100 USD.
Goldman Sachs trong báo cáo hồi cuối tháng 1 dự báo giá dầu có thể đạt 100 USD trong hai quý cuối năm và mức trung bình cả năm có thể đạt 95,8 USD mỗi thùng. Năm 2023, "vàng đen" có thể đạt trung bình 105 USD, mức tăng đáng kể so với dự báo trước kia là 81 và 85 USD cho năm 2022 và 2023.
Thị trường năng lượng còn được hỗ trợ khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung toàn cầu có thể không đáp ứng được lực cầu. Trong báo cáo hàng tháng, IEA nâng dự báo tăng trưởng lực cầu dầu thế giới năm nay thêm 800.000 thùng mỗi ngày, lên 3,2 triệu thùng dầu.
Giá dầu tăng có mối liên quan mật thiết với giá cổ phiếu dầu khí trên sàn chứng khoán.
Theo SSI Research, dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu, hay nói cách khác độ "nhạy" của giá cổ phiếu với giá dầu là "rất cao".
Theo tính toán của nhóm phân tích, hệ số tương quan của những mã này tới giá dầu đạt 0,81 đến 0,95. Tức nếu giá dầu tăng 10%, các mã cổ phiếu dầu khí có thể tăng 8,1-9,5%.
"Chúng tôi cho rằng giá dầu tăng đem lại cơ hội đầu tư cả ngắn và dài hạn", báo cáo nhấn mạnh và đánh giá, bốn mã có thể hưởng lợi gồm BSR, PVD, PVS và OIL.
Bên cạnh đó, biến động giá dầu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này, yếu tố tác động đến kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trong đó, GAS, PLX & OIL, cùng với BSR sẽ chịu tác động trực tiếp liên quan tới doanh thu, hàng tồn kho và biên lợi nhuận hoạt động. Với PVD và PVS, giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn do các công ty này dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn. Mặc dù vậy, SSI Research cho rằng ước tính mảng khoan của PVD hồi phục từ quý II và ghi nhận lợi nhuận từ 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng.
"Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho PVD, PVS trong dài hạn", SSI Research đánh giá.
Với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như điện khí, đạm, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế.