Theo báo cáo triển vọng nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nếu bám sát vào kịch bản Fed tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023, chuyên gia cho rằng lãi suất điều hành có thể tăng thêm từ 0,5-1 điểm % trong năm sau, về lại mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, biến số ở đây là rủi ro rơi vào suy thoái của nền kinh tế Mỹ và tốc độ phục hồi của Việt Nam có thể chậm lại đáng kể từ quý IV/2022, các biến số này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nâng lãi suất của Fed và cả NHNN trong thời gian tới.
VDSC cho rằng dữ liệu kinh tế quý IV sẽ mang lại nhiều chỉ báo hơn cho triển vọng đường hướng lãi suất của năm sau.
Quyết định tăng lãi suất điều hành của NHNN trước hết sẽ đẩy trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của các NHTM cổ phần tư nhân, chuyên gia cho rằng nhóm NHTM cổ phần nhà nước sẽ dần nâng lãi suất từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10.
Việc mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế tăng lên đã diễn ra từ trước, quyết định nâng lãi suất điều hành là một hành động theo sau, hàm ý rằng không thể đối phó với áp lực bên ngoài nếu không tăng lãi suất điều hành.
Tác động lan truyền đến lãi suất cho vay, theo VDSC, đã diễn ra từ trước đó, chỉ có điều sắp tới lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh hơn giai đoạn vừa rồi. Mức kỳ vọng của công ty chứng khoán đối với mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế của các doanh nghiệp là mức trước đại dịch xảy ra, trên cơ sở kết hợp với yếu tố nhu cầu vốn tín dụng đang cao trong khi cung thì bị siết bởi hạn mức tín dụng.
Trước đó, ngay sau cuộc họp của Fed, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN nâng tăng lãi suất điều hành và nhấn mạnh việc ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu.
Có thể thấy, sau 9 tháng kiên định giữ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, vốn khá khó khăn trong quý III thì Chính phủ đã buông thành trì lãi suất trước áp lực lãi suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng cao. Việc nâng lãi suất 100 điểm cơ bản có thể là coi hành động mang tính phòng thủ cao, bước tăng này cũng cao hơn và sớm hơn kỳ vọng.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất điều hành của NHNN đã trở về bằng thời điểm đại dịch mới diễn ra là tháng 3/2020. Chuyên gia cho rằng mức lãi suất như vậy khá an toàn với diễn biến lạm phát tại Việt Nam, hiện lạm phát bình quân kỳ vọng cho cả năm 2022 và 2023 lần lượt là 4 và 4,5%. Mức lãi suất điều hành hiện tại cũng để phòng thủ cho khả năng Fed nâng lãi suất lên 4,5-4,75% trong năm 2022.
Tiền đồng có thể mất giá 4-5% trong năm nay
Lo ngại về kịch bản xấu hơn đối với đà mất giá của tiền đồng đang xảy ra với việc chỉ số đồng USD tiếp tục tăng cao. Hiện chỉ số đồng USD đang được giao dịch ở mức 113,3, cao hơn 4,2% so với cuối tháng 8.
Trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước khác không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như Fed, các chuyên gia cho rằng đồng USD sẽ có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm 2022 ở mức 120,3. Điều này đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá trong nước là không thể tránh khỏi khi các bộ đệm để giúp ổn định tỷ giá đã suy yếu.
Hiện tại, tỷ giá bán USD của Vietcombank đã tăng vọt lên 23.870 đồng/USD, tương ứng với mức tăng 4,1% so với đầu năm. Kịch bản mất giá với tiền đồng mà chuyên gia kỳ vọng cho cả năm 2022 khi đồng USD tăng mạnh là từ 4-5%.
Hiện tại, dù chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn dương đáng kể nhưng nhu cầu USD trong hệ thống vẫn chưa hạ nhiệt, kể từ sau quyết định nâng lãi suất điều hành, NHNN vẫn tiếp tục phải bán ra gần 1,9 tỷ USD.