Nhắc đến CỐM , ta thường nghĩ ngay đến mùa thu Hà Nội .
Món "đặc sản" này của Việt Nam từng được nhà văn Thạch Lam gọi tên trong cuốn bút ký " Hà Nội băm sáu phố phường" là "thức quà của lúa non", "thức quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam."
Còn đối với chủ nhân trang blog Inside the Travel Lab, cốm là "dấu hiệu của mùa thu Hà Nội", "một trong những điều đặc biệt nhất của mùa thu Hà Nội".
Theo Taste Atlas - trang web được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực thế giới" chuyên sưu tầm, đánh giá và giới thiệu ẩm thực quốc tế - giới thiệu về cốm như sau: Cốm là món ăn truyền thống của Việt Nam đến từ khu vực đồng bằng sông Hồng, là một đặc sản của mùa thu.
Lúa nếp non làm cốm được thu hoạch thủ công để hạt gạo non không bị vỡ, ngon nhất là nếp cái hoa vàng. Có thể dùng lúa nếp non trong cả hai vụ chiêm và vụ mùa, tuy nhiên thường dùng lúa vụ mùa vào khoảng cuối hè - đầu thu.
Sau khi thu hoạch, hạt thóc được đem đãi sạch trong nước, loại bỏ các hạt lép, rồi đem rang khô trên lửa nhỏ trước khi giã. Hạt cốm được giã kỹ đến độ mỏng, dẹt tựa lá me.
Sau bước giã cốm, thành phẩm được gói vào trong hai lớp lá - lớp trong thường là lá khoai ráy hoặc lá sen để giữ độ ẩm và màu xanh, lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng. Gói cốm vuông vắn, gọn gàng, trông như một gói quà - bởi người bán còn tinh tế dùng những cọng rơm nếp tẻ cột lại.
"Món quà của mùa thu Hà Nội"
Sophie, chủ nhân trang blog Delightful Plate, đã gọi cốm là "món quà của mùa thu Hà Nội", "một biểu tượng văn hóa của thủ đô Hà Nội".
Cô viết: "Nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam phản ánh tầm quan trọng của nông nghiệp và văn hóa lúa nước trong lịch sử đất nước, và cốm là một trong số những món ăn đó."
Theo Sophie, một trong những lí do khiến cốm trở nên đặc biệt là bởi đây là một món đặc sản theo mùa.
Ngày nay, chúng ta đã có cốm khô, cốm đóng túi hút chân không trữ đông để ăn trong cả năm, nhưng mùi vị và hương thơm của các loại cốm tiện lợi ấy sao có thể sánh bằng cốm tươi mùa thu. Cốm tươi chỉ bán trong 1-2 tháng trong năm, và ngon nhất khi được ăn ngay trong ngày.
Cốm có hương vị rất tinh tế, và không chỉ có một tầng hương vị. Cốm vừa ngọt nhẹ, lại thoang thoảng hương sữa (của lúa non), hương thơm của lá (lớp lá sen bọc ngoài), mùi vị thì dẻo bùi. Sophie nói rằng cô cảm thấy cốm có hương thơm gần giống như lá nếp.
Với hương vị tinh tế và kết cấu mềm dẻo đặc trưng, cốm có thể được ăn trực tiếp hoặc chế biến thành nhiều món ngọt-mặn rất đa dạng.
Cách ăn đơn giản nhất là nhón một ít cốm bỏ vào miệng, và nhai thật chậm rãi để thưởng thức hương vị cốm tươi thanh tao. Cốm tươi ăn cùng chuối chín hoặc hồng đỏ cũng rất ngon.
Người Việt cũng sáng tạo ra rất nhiều món ngọt từ cốm, chẳng hạn như kem cốm, bánh cốm, chè cốm hay bánh trung thu nhân cốm.
Cốm cũng có thể được rang lên để ăn như bỏng gạo, hoặc sử dụng thay cho bột chiên xù trong các món chiên.
Một món ăn từ cốm nổi tiếng nữa của Hà Nội là chả cốm - cốm được trộn cùng thịt lợn xay nhuyễn và gia vị, sau đó được tạo hình và chiên đến khi có màu vàng ruộm. Chả cốm thường được ăn cùng bún đậu mắm tôm.
Một người Nhật trải nghiệm lần đầu ăn cốm
Trong bài viết được đăng trên trang kett.co.jp, tác giả có bút danh K. Okawa đã kể về trải nghiệm lần đầu ăn thử cốm ở Nhật Bản - vốn là món "hàng hiếm" ở nước này.
Gói cốm mà K. Okawa nhận được cũng vuông vắn, xinh xắn như gói cốm được bán ở Hà Nội - chỉ khác là gói cốm được đưa sang Nhật có thêm một lớp giấy báo bọc bên ngoài.
Ấn tượng đầu tiên của K. Okawa về hương vị cốm, đó là "mùi giống như bột đậu tương": "Khi nếm thử một chút, tôi thấy có vị ngọt thanh, một mùi hương nhẹ nhàng, thoang thoảng của lá cây trong miệng - có lẽ đó là hương thơm từ những chiếc lá được dùng để bọc cốm. Cốm hơi dai dẻo, giống như bánh làm từ bột gạo nếp nhưng không dính."
K. Okawa nhận xét: "Cốm không ngọt như đường và không mềm như bánh nếp. Nhưng ẩn trong hạt cốm là sự ngọt ngào rất riêng, rất khác biệt [so với các món của Nhật Bản]."
K. Okawa đã được một người Việt ở Nhật Bản hướng dẫn cách ăn kèm với chuối chín, và người này đã thốt lên rằng: "Quả là rất ngọt ngào! Ngon tuyệt!"
Tham khảo: Taste Atlas, Delightful Plate, kett.co.jp, Inside the Travel Lab