Tài chính

Vay tiền ngân hàng mua nhà: Người lo bán nhà trả nợ, người sốt ruột chờ đợi hỗ trợ

Cứ đến sát ngày 25 hàng tháng, chị Nguyễn H. (Hà Nội) lại bắt đầu lo lắng, sốt ruột. Hơn 2 tháng nay chị thất nghiệp cũng là tròn 2 tháng chị phải vay mượn người thân số tiền đóng cả gốc và lãi số tiền vay ngân hàng cho căn chung cư đang ở.

Chị quyết định mua căn chung cư này 1,8 tỷ đồng và vay tới 1 tỷ đồng. Với lãi suất 8,3% trong năm đầu, trung bình mỗi tháng chị phải trả tới 7 triệu tiền lãi và hơn 4 triệu tiền gốc. Chị cho biết, 3 tháng nữa, lãi suất ngân hàng sẽ hết ưu đãi, quay về tình trạng thả nổi, dựa trên lãi suất tiết kiệm cộng với biên độ 3,5%, lãi suất tiền vay mua nhà của chị có thể lên tới 11%. Chị nhẩm tính, số tiền lãi mỗi tháng chị phải trả tới 9 triệu đồng, chưa kể tiền gốc.

"Nghĩ tới khoản lãi vay mà tôi váng hết đầu. Tháng này, tôi đã vay tiền người thân để trả gốc lãi. Nhưng không biết tháng sau, tôi sẽ vay ai để thanh toán tiền gốc và lãi. Giờ mong mãi mà không thấy phía ngân hàng xem xét chính sách ưu đãi mùa dịch cho vay hay giãn nợ cho người mua nhà thất nghiệp như thế nào. Thực sự, tôi rất lo. Giờ bán nhà cũng không được mà trả nợ ngân hàng cũng chẳng xong", chị H. cho biết.

Cũng đối mặt với áp lực trả lãi ngân hàng vay mua nhà mỗi tháng, anh Trần V. (Hà Đông, Hà Nội) đang phải nhận thêm việc làm trong mùa dịch. Hiện tại anh đang được làm việc online ở nhà nhưng thu nhập giảm tới 30%. Anh làm thêm công việc ship hàng cho khu chung cư vào buổi tối. Nhưng tổng số tiền kiếm thêm cũng không dư dả để anh trang trải tiền lãi gốc vay ngân hàng khi mua nhà.

Lãi suất ngân hàng hiện tại anh phải "gánh" lên tới 10,4%/tháng. Đây là mức lãi suất thả nổi sau 1 năm ưu đãi cho vay 7,9%. Tính ra, trung bình mỗi tháng gia đình anh phải trả 12 triệu đồng tiền gốc và lãi hàng tháng. Cả gia đình đều phải cắt giảm tối đa sinh hoạt phí chi tiêu mới co bóp đủ để thanh toán tiền lãi.

"Tôi sợ đến tháng sau gia đình không thể tiếp tục duy trì được khoản trả nợ lãi ngân hàng. Thời gian tới, 2 đứa con tôi bắt đầu phải đi học. Chi phí học tập cũng dội lên khá nhiều. Tôi đã liên hệ với nhân viên tín dụng nhưng mới nhận được thông báo, ngân hàng hiện chưa có chính sách gì để hỗ trợ người mua nhà trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại. Họ báo tôi cứ đợi mà thôi", Anh V. nói.

Trong khi đó, áp lực trả lãi ngân hàng khiến gia đình chị Nguyễn Xuyến (Hà Nội) quyết định rao bán căn nhà đất. Chị cho biết, hiện tại thu nhập của cả 2 vợ chồng chị giảm tới 1 nửa, không đủ chi trả khoản lãi vay hàng tháng.

Căn nhà đất mà hai vợ chồng chị mua mới được 1 năm, đúng vào thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, do tình hình làm ăn không hiệu quả nên tháng nào nhà chị cũng chật vật thanh toán số tiền lãi gốc phải gánh tới gần 17 triệu đồng.

"Tôi nghĩ đợi ngân hàng giảm lãi vay nhưng khả quan sẽ không đáng kể. Năm ngoái căn chung cư của tôi vay lãi ngân hàng nhưng khi làm thủ tục giảm lãi suất chỉ được 0,1%. Với lãi suất này thực sự không giảm đáng kể khoản lãi ngân hàng. Dịch bệnh cứ kéo dài theo đà này thì phương án bán nhà đi thuê cũng khá hợp lý. Nhưng tôi lo nhất, dịch bệnh nên rao bán nhà sợ không được", chị Xuyến nói.

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua nên nên thu nhập của người dân giảm mạnh. Ông Hiển cho rằng, trong khi các ngân hàng báo lãi lớn, điều này cho thấy sự thiếu thiện chí của các ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Chính vì thế, ông Hiển kiến nghị, các ngân hàng nên có chính sách giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ khách vay trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài như hiện nay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm