Được công nhận là một trong những doanh nhân thành đạt trẻ nhất Việt Nam, doanh nhân Lê Đăng Khoa bắt đầu hành trình của mình với tư cách là một nhà đầu tư khởi nghiệp.
Anh đang là chủ sở hữu đội bóng rổ Danang Dragons - chủ nhân của chiếc Cúp vô địch VBA 2016. Anh cũng là Shark trẻ nhất khi xuất hiện tại mùa 1 chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ – Shark Tank Việt Nam, chương trình truyền hình thực tế dành cho các doanh nhân khởi nghiệp.
Đến nay, quỹ Le Group Ventures do anh giữ vai trò Chủ tịch đã và đang đầu tư vào hơn 20 công ty khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với ngoại hình và những thành công nhất định, Lê Đăng Khoa là một trong những doanh nhân khởi nghiệp được các bạn trẻ mến mộ nhất Việt Nam. Thế nên, chẳng có gì khó hiểu khi TikTok tìm đến hợp tác với anh trong chương trình giáo dục #LearnOnTikTok, ở mảng kinh doanh.
"Có 2 nguyên do khiến tôi lên TikTok dù rất bận rộn. Đầu tiên, tôi thấy gia đình mình, từ lớn đến bé, ai cũng ‘cắm mặt’ cả ngày vào TikTok; nên tôi cũng phải thử tìm hiểu. Thứ hai, hằng ngày có rất nhiều bạn trẻ nhắn tin – gọi điện hỏi tôi về những kinh nghiệm kinh doanh và kinh nghiệm sống, mà tôi lại không có thời gian trả lời hết được, hơn nữa có nhiều câu hỏi tương đối giống nhau.
Với TikTok, tôi có thể dễ dàng tiếp cận đến nhiều bạn trẻ lẫn trong và ngoài nước có đam mê và mong muốn khởi nghiệp. Nhờ TikTok, các chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp và điều hành công ty trong 16 năm qua của tôi đã có thể lan tỏa mạnh mẽ và gần gũi hơn.
Trước đây, khi bắt đầu tập tành kinh doanh, tôi luôn khao khát được học tập hoặc được tư vấn bởi ai đó. Bây giờ, tôi đã có một vài thành tựu nhất định, nên muốn quay lại chia sẻ với các bạn trẻ, để họ không còn ‘đói khát’ kiến thức như tôi trước đây", anh Lê Đăng Khoa bày tỏ.
Hình thức thể hiện trong các clip của doanh nhân Lê Đăng Khoa tương đối nhàm chán.
Ngoài ra, vì TikTok theo kiểu nền tảng video dạng ngắn; nên kênh của anh có thể xem như một "thư viện" chia sẻ kiến thức, kỹ năng mà các bạn trẻ có thể dễ dàng tiếp cận và xem lại các video này nhiều lần.
Cũng trong buổi chia sẻ, Shark Khoa tự mình nhận là đã già – đến U40 và khá nhàm chán vậy nên các video của anh vô cùng đơn giản. Hiện kênh của anh đã có 35 clip và dù chủ đề là về kinh doanh/kinh nghiệm sống thì đều cùng 1 format: anh ngồi tại ghế hoặc đứng tại chỗ để nói chuyện hay trao đổi, thỉnh thoảng có mời thêm khách mời; rất ít dùng hiệu ứng – lợi thế cạnh tranh lớn nhất của TikTok so với các nền tảng khác. Với anh, sản xuất nội dung trên TikTok chỉ cần 1 máy quay.
Tuy nhiên, dù là người mới và phong cách vô cùng nghiêm túc – khác biệt với những thứ tạo nên thành công của TikTok, song kênh của vị Shark này đã có 69.000 lượt theo dõi và 319,9 nghìn lượt yêu thích, dù mới gia nhập gần đây. Có 3 nguyên do tạo nên sự thành công này: anh gặp ít sự cạnh tranh, ngoại hình chỉn chu và nội dung đơn giản – dễ hiểu; đặc biệt nói không với quảng cáo.
Ít gặp sự cạnh tranh: trước giờ, TikTok là nền tảng mạnh về các nội dung giải trí – du lịch, chứ không phải là giáo dục hay kinh doanh. Kể cả khi TikTok muốn đẩy mạnh các nội dung về giáo dục thông qua dự án #LearnOnTikTok, thì người ta cũng nghĩ ngay đến việc dạy tiếng Anh, dạy kinh nghiệm sống… chứ ít nghĩ đến kiến thức về kinh doanh.
Hơn nữa, trong tiềm thức của nhiều doanh nhân, TikTok thiên về giải trí, chứ không phải nơi dành cho giới kinh doanh và khởi nghiệp.
Vậy nên, trước khi Shark Lê Đăng Khoa, trên TikTok không hề có bất cứ kênh hoặc creator nổi tiếng nào sản xuất nội dung này. Theo đó, có thể xem anh là trường hợp ‘độc nhất vô nhị’ trên TikTok Việt Nam và cho đến thời điểm hiện tại, chưa gặp sự cạnh tranh nào đáng kể. Nên dù nội dung về dạy kinh doanh không phải là thứ mà đại đa số TikToker quan tâm, song kênh của anh vẫn thu về lượng follow và yêu thích khủng.
Shark Lê Đăng Khoa
Ngoại hình: như ngôn ngữ mạng bây giờ hay nói, dù hình thức thể hiện không quá đầu tư, song ‘nội dung’ của Lê Đăng Khoa lại rất ổn. Ngày nay, với hầu hết mạng xã hội, bạn dạy hay chia sẻ kinh nghiệm gì không quan trọng, chỉ cần đủ xinh đẹp sẽ được nhiều người xem và nổi tiếng. Đã là doanh nhân thành đạt lại còn ưa nhìn, già một chút càng thêm chững chạc – đáng tin, nên mỗi clip của anh trên TikTok đều thu về vài trăm ngàn lượt xem.
Nội dung đơn giản – dễ hiểu: theo quan điểm của Shark Khoa, nội dung giáo dục phải đề cao giá trị thực tiễn mà kiến thức - kỹ năng đó đem lại. Anh luôn hy vọng từng giây phút mọi người dành ra để xem video của mình đều mang lại giá trị cho cuộc sống của họ.
Anh cũng hy vọng, tất cả mọi người khi xem các clip của mình, có thể hiểu được và vận dụng được những kiến thức - kỹ năng này vào công việc và cuộc sống hàng ngày; như giúp họ trở nên chuyên nghiệp hơn trong công việc, nhận biết được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để ngày càng hoàn thiện mình hơn nữa v.v.
"Hơn hết, đã là kiến thức thì phải chính xác. Tôi hiểu kiến thức sẽ luôn được cập nhật và đổi mới mỗi ngày. Tôi rất cẩn thận trong việc sáng tạo nội dung, tránh để người xem có những suy nghĩ - kiến thức bị lệch lạc, hay viển vông, xa rời với thực tế. Tôi nghĩ đây là điều quan trọng mà nhà sáng tạo nội dung nào cũng cần lưu ý.
Vậy nên, tôi thường công thức hóa nội dung với công thức cụ thể cho từng vấn đề cụ thể, nhằm giúp các bạn trẻ dễ ứng dụng vào công việc. Việc clip TikTok chỉ có 1 đến 3 phút cũng là một thách thức lớn cho người làm nội dung như tôi, làm sao để truyền đạt chính xác những thứ phức tạp như kinh doanh trong thời gian tương đối ngắn. Giải pháp của tôi là chẻ nhỏ vấn đề thành những công thức cơ bản.
Ví dụ: chọn đối tác khi khởi nghiệp như thế nào, quản lý dòng tiền cho công ty ra sao, công thức để tạo ra sản phẩm – dịch vụ thành công…Mục tiêu của tôi chỉ cung cấp những giải pháp nhỏ trong từng vấn đề kinh doanh nhỏ mà bản thân từng trải nghiệm, còn muốn đào rộng hoặc sâu hơn về các kiến thức kinh doanh, chúng ta sẽ tìm đến sách – có rất nhiều ở bên ngoài lẫn trên mạng", anh Lê Đăng Khoa đề nghị.
Đặc biệt nữa, các nội dung của anh chỉ đơn thuần là chia sẻ về kiến thức kinh doanh và kinh nghiệm sống, chứ không phục vụ cho mục tiêu thương mại như quảng bá sản phẩm/dịch vụ công ty mình hoặc các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư.
Anh kể, gần đây, anh có clip phỏng vấn chủ của The Cake Factory – một trong những công ty anh đang đầu tư, song cũng chỉ để bạn Giám đốc chia sẻ kinh nghiệm từ một thợ làm bánh trở thành ông chủ doanh nghiệp, chứ không quảng bá sản phẩm bánh của thương hiệu.