Bất động sản

Vuột mất cơ hội kiếm hàng tỷ đồng từ bất động sản… vì chồng ngăn cản

Đến bây giờ, khi nhìn lại 5 năm trôi qua, chị Phạm S. (Hà Nội) vẫn chưa thôi hết tiếc nuối vì đã bỏ qua hàng loạt cơ hội đầu tư bất động sản.

Kể với chúng tôi, chị Phạm S. cho biết, nếu như những lần chị quyết định đầu tư mà chồng không phản đối thì giờ đây chị đã có khối tài sản hàng tỷ đồng, thừa tiền mua ô tô.

Chị S. kể, công việc của chị làm trưởng phòng của một doanh nghiệp lớn, tiếp xúc với rất nhiều bạn bè làm trong lĩnh vực bất động sản, nên chị thường được giới thiệu rất nhiều cơ hội đầu tư địa ốc. Nhưng đáng tiếc, mỗi lần chị định xuống tiền, chồng chị lại ngăn cản.

5 năm trước, khi có 400 triệu đồng tiết kiệm, nghe lời khuyên của bạn, chị tính toán sẽ mua một căn nhà cấp 4 để ở.

"Năm 2015, với 400 triệu đồng, tôi có thể vay thêm 500 triệu đồng và dễ dàng mua được mảnh đất ở khu vực An Khánh, Hoài Đức. Tôi đã đi xem và thấy mảnh đất đó, ô tô đỗ tận cửa. Ngôi nhà hơi xập xệ một chút nhưng đất rất vuông vắn. Tôi luôn cho rằng, đầu tư đất nền thì mới có lời và nói với chồng, cố gắng ở khổ 1-2 năm sau bán lấy lời.

Nhưng lúc đó, chồng tôi cản vì có dự án chung cư ở Hoài Đức được vay gói 30.000 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm. Chồng tôi vì muốn yên ổn cuộc sống nên nhất quyết mua chung cư. 4 năm sau, mảnh đất 900 triệu đồng tăng lên tới 2,5 tỷ đồng, còn căn chung cư của tôi chỉ tăng được 30 triệu đồng", chị S.kể.

Theo chị S. đó không phải là lần duy nhất mà chị muốn đầu tư, làm giàu từ đất mà bị chồng ngăn cản.

Năm 2018, một người bạn chuyên đầu tư bất động sản giới thiệu chị mảnh đất ven biển ở Thanh Hóa với giá 800 triệu đồng. Mảnh đất mà chị định mua có giá rẻ tới hơn 100 triệu đồng so với giá thị trường. Tức là nếu mua, chị đã hoàn toàn lãi hơn 100 triệu đồng, chưa kể đợi thời gian đất lên giá. Tuy nhiên, lần này, chị cũng bị chồng phản đối.

"Tôi có 300 triệu đồng, định vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng. Tôi bàn với chồng. Nhưng chồng tôi gàn bảo: người mua đất thắng thì ít, người thua thì nhiều. Bao nhiêu người bạn của chồng tôi bị chôn vốn vì đất. Lại thêm, nhà tôi vẫn còn nợ căn chung cư, giờ vay thêm, chồng tôi không đồng ý. Tôi thuyết phục cả nửa tháng mà chồng tôi không xoay chuyển ý định. Chồng tôi sợ đầu tư vào lại phải trả nợ lớn, sợ không bán được rồi bảo: "Người ta còn giỏi thế nào mà chôn vốn nói gì tới tôi chưa có kinh nghiệm", chị S. chia sẻ tiếp.

Đó cũng là lần chị tiếc hùi hụi khi chỉ sau 2 tháng, mảnh đất đó đã tăng giá lên 1,5 tỷ đồng.

"Nhiều người bảo sao tôi không tự giấu chồng đầu tư. Nhưng thực sự, vợ chồng với nhau rất khó, lại liên quan đến các thủ tục vay vốn".

Vì máu làm giàu, đầu năm 2020, chị quyết định "giấu" chồng đầu tư một mảnh đất 500 triệu đồng tại Đồng Mai (Hà Nội). Vì không muốn chồng biết nên chị S. gặp khá rắc rối về mặt thủ tục.

"Đầu tiên, tôi phải nhờ bạn mình đứng tên sổ đỏ khi chuyển nhượng. Theo luật, do tôi kết hôn nên muốn đứng tên sổ đỏ buộc chồng phải cùng tới văn phòng công chứng. Rắc rối tiếp theo, muốn vay ngân hàng, hợp đồng buộc phải có tên thêm chồng của tôi. Đến khi bán đất, lại vướng vấn đề, đó là khách hàng hỏi, sao sổ đỏ của tôi không chính chủ, lại đứng tên người khác.

Lần đó, tôi bán đất chỉ trong 2 tuần, lãi được hơn 50 triệu đồng. Nhưng nếu không vướng việc nhờ cậy và chồng tôi chấp nhận đứng tên thì mảnh đất đó đợi 4 tháng sau đã có thể lãi thêm 300 triệu đồng.", chị S. cho hay.

Tuy nhiên, kể từ lần "giấu" chồng buôn đất, chị S. tâm sự, chưa lần nào dám đầu tư tiếp. "3 tháng sau, tôi kể với chồng chuyện buôn đất lời 50 triệu đồng. Dù lãi mà chồng tôi giận tới 2 tháng vì tự ý đầu tư không bàn bạc với chồng. Mà đợi chồng tôi đồng ý thì chắc tôi lại bỏ qua mọi cơ hội. Hiện tại, giờ tôi vẫn không dám đầu tư dù tiếc các cơ hội làm giàu vô cùng vì chồng tôi nhất quyết không đồng ý", chị S. chia sẻ thêm.

Theo ông Nguyễn Quang, một nhà đầu tư ở Hà Nội, sau khi kết hôn, theo quy định của pháp luật, việc chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất buộc phải có sự tham gia ký kết của 2 vợ chồng.

Trường hợp khi mua, người chồng hoặc vợ phải ký cam kết tài sản riêng thì người còn lại mới có thể đứng tên một mình trong quá trình chuyển nhượng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào khu vực, như ở Hà Nội sẽ yêu cầu vợ hoặc chồng phải ký cam kết tài sản riêng nhưng một số tỉnh khác như Khánh Hòa thì không yêu cầu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm