Bất động sản

HoREA: Các doanh nghiệp bất động sản phải "vay nóng" để trả lãi ngân hàng, kiến nghị cho cơ cấu nợ tại dự thảo Thông tư 03

Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội, sau hơn một năm rưỡi bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cho đến nay có thể nhận thấy rõ là hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời thêm.

Trong đó, lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch lần này, HoREA nhấn mạnh.

Đầu tiên, cái khó thường trực của doanh nghiệp bất động sản chính là ách tắc, vướng mắc do một số quy định pháp luật "bất cập" và quy trình thủ tục hành chính chồng chéo đối với các dự án nhà ở thương mại. Nếu Nhà nước tháo gỡ các ách tắc, vướng mắc về thể chế, pháp luật thì doanh nghiệp và thị trường bất động sản sẽ từng bước phục hồi, phát triển trở lại sau khi kiểm soát được đại dịch.

Thứ hai là khó khăn về việc thiếu dòng tiền, đây là khó khăn trực tiếp và đáng quan ngại nhất. Bởi tương tự như cơ thể bị "thiếu ô-xy", khi doanh nghiệp bất động sản thiếu "ô-xy dòng tiền", không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ sẽ bị ngộp thở ngay lập tức.

Khi đó, doanh nghiệp không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để cầm cự khi các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị đứng hình, giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm…

HoREA phân tích, cái khó thiếu dòng tiền có liên quan trực tiếp đến cái khó về tín dụng vì trong lúc này lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng.

Mỗi ngày, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải "vay nóng" để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu, để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Bởi lẽ, theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng "tự động" chuyển sang "nợ xấu", hoặc nhóm "nợ xấu hơn", mà đã bị xếp loại "nợ xấu, nhóm nợ xấu hơn" thì doanh nghiệp sẽ lâm vào "bế tắc" vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn….

Theo Hiệp hội, NHNN 2 năm qua đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.

Mới đây, 16 ngân hàng thương mại đã tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, với số lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm. Riêng 4 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank còn cam kết giảm thêm 1.000 tỷ đồng tiền lãi của mỗi ngân hàng để giảm lãi vay cho các khách hàng với mức giảm lãi suất từ 0,5-1,5% tuỳ từng trường hợp, đồng thời có ngân hàng đưa mức lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống còn 7%/năm.

Hiệp hội theo đó góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 "Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 02/04/2021), như sau:

(1) Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/06/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

(2) Nhiều năm trước đây, Hiệp hội đã đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét xây đựng cơ chế xác định lãi suất cho vay theo công thức cơ bản sau đây:

Lãi vay = Lãi suất tiền gửi bình quân + NIM

với NIM = ~ 2,5% - 3% (hoặc có thể cao hơn một chút) để vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, vừa xây dựng thị trường tín dụng phát triển bền vững, vừa hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý hợp tình, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm