Tài chính

Vàng có "tỏa sáng" trong bối cảnh bất ổn gia tăng?

Theo ông Nguyễn Thế Hưng, P. Tổng Giám đốc Công ty Vàng Việt Nam, sau cuộc chiến giữa Nga – Ukraine xảy ra, giá vàng thế giới đã có thời điểm thử quay trở lại mức đỉnh cao mọi thời đại là 2.070 USD/oz và giá vàng SJC trong nước cũng đã vượt đỉnh cao, đạt mức 74 triệu đồng một lượng, sau đó giá vàng trong nước có hạ nhiệt, nhưng đến thời điểm này vẫn đang giao dịch và ổn định quanh ngưỡng 70 triệu đồng. Khả năng, giá vàng vẫn có thể sẽ duy trì và tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm.

Vàng có tỏa sáng trong bối cảnh bất ổn gia tăng? - Ảnh 1.

Những người mua vàng tích trữ dài hạn, từ 10 - 20 năm thì nên đi vào hướng vàng nhẫn, bởi vì khi đã sẵn sàng tích trữ dài hạn thì nên chọn loại vàng có giá sát với giá thế giới

Trong những điểm chúng ta nhìn thấy từ đầu năm đến nay, thì vàng đang “tỏa sáng” dưới vai trò là một tài sản phòng vệ khi tăng khoảng 10%, vàng SJC tăng khoảng 12%. Còn các chỉ số chứng khoán quốc tế như S&P 500 đã giảm khoảng 8%, chỉ số Dow Jones giảm 6%, chỉ số Nasdaq giảm 15%, ngay cả chỉ số VN-Index cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Thời điểm này, giá vàng đang hưởng lợi từ một vài yếu tố như: Một là, bất ổn địa chính trị đang diễn ra, nhất là cuộc chiến giữa Nga - Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng, đẩy giá dầu lên cao, ngoài ra cũng gây áp lực tăng lên giá cả hàng hóa. Hai là, từ vấn đề trên dẫn đến câu chuyện lạm phát diễn ra trên diện rộng, ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ngay như Mỹ thời điểm vừa rồi, con số lạm phát công bố kỷ lục là mức 8,5%, mức cao nhất kể từ năm 1972. Trong đó, có đầy đủ ba nguyên nhân gồm tiền tệ, cầu kéo và chi phí đẩy.

Phiên giao dịch ngày 21/4, giá vàng thế giới duy trì mức 1.957 USD/ounce, tương đương 54,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước là 70,25 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới là 15,55 triệu đồng/lượng.


“Vì vậy, giá vàng đang trong xu thế tăng và có khả năng sẽ tăng mạnh vào cuối năm nếu vàng có thể vượt mốc 2.000 USD/oz. Tôi nghĩ điều này có thể xảy ra từ giờ đến cuối năm là điều chắc chắn, thậm chí có thể sớm hơn trong quý 2 và quý 3 này. Với diễn biến của vàng thế giới như vậy, thì giá vàng trong nước cũng sẽ tăng và ổn định hướng tới mốc khoảng 74 triệu đồng một lượng”, ông Hưng dự báo.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, giá vàng ở Việt Nam đã từng đạt mức cao kỷ lục 74 triệu đồng một lượng và đã có sự sụt giảm ở thời điểm đó chủ yếu là do không có nguồn cung. Vì các nhà cung cấp vàng SJC ở Việt Nam với nguồn cung hạn chế đã đẩy giá vàng lên cao để hạn chế việc mua, đồng thời chênh lệch giá mua bán cũng rất cao, khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, mức đi lên khá là bền vững.

Vị CEO cũng chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của vàng theo mô hình tính toán của Hội đồng Vàng Thế giới như sau: Thứ nhất, là sự phát triển của nền kinh tế. Nếu kinh tế phát triển, mọi người sẽ có xu hướng mua nhiều trang sức hơn, mua nhiều những sản phẩm yếu tố vàng, nghĩa là nếu kinh tế phát triển thì nhu cầu vật chất cũng tăng theo.

Thứ hai, là những yếu tố rủi ro và những yếu tố không xác định. Điều này chúng ta đã trải qua khi môi trường đầu tư có nhiều bất ổn và môi trường địa chính trị cũng là những yếu tố được đưa vào mô hình tính toán.

Thứ ba, là chi phí cơ hội. Nếu chúng ta coi vàng cũng là một loại ngoại tệ, thì khi lãi suất tăng, thông thường giá trị của đồng USD sẽ tăng theo và về lý thuyết, vàng sẽ bị giảm giá.

Thứ tư, là chi phí cơ hội ở góc độ lãi suất. Khi lãi suất tăng thì mọi người sẽ có xu hướng đầu tư vào những sản phẩm tài chính mang lại lợi ích tốt, ví dụ đầu tư vào trái phiếu trong khi vàng thì không có lãi suất.

Thứ năm, là xu hướng của thị trường, như các quỹ ETF, hay các giao dịch trên sàn COMEX cũng được Hội đồng Vàng đưa vào đánh giá.

Loạn giá vàng, can thiệp cách nào?

Ở góc nhìn của mình, ông Nguyễn Thế Hưng cho rằng, vàng có một yếu tố rất đặc biệt, gần như đoán trước được các sự kiện sắp xảy ra, những bất ổn nào đó về vĩ mô khiến giá vàng đi ngược lại. Trong khi bất ổn đang chiếm quá lớn, ngoài bất ổn về địa chính trị, về lạm phát , thì bất ổn chúng ta chưa đề cập đến ở đây đó là môi trường đầu tư sắp tới. Môi trường này bất ổn vì liên quan đến các vấn đề vĩ mô. “Xem lại diễn biến lịch sử các giai đoạn trước đây thì tôi cho rằng, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng ít nhất từ 4-6% mới kiềm chế được lạm phát. Mà khi FED nâng lãi suất cao lên như vậy sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, đây là mối nguy hại mà mọi người đang không tính đến được”.

Về vấn đề chênh lệch giữa vàng Việt Nam và vàng thế giới, P. Tổng Giám đốc Công ty Vàng Việt Nam cho hay, ở Việt Nam còn có giá vàng nhẫn so với giá vàng thế giới không chênh lệch là bao. Nhưng riêng giá vàng miếng, nhất là SJC là một loại hàng hóa đặc biệt do Nhà nước độc quyền và sản xuất, vì thế nguồn cung có hạn, nhu cầu người dân tích trữ vẫn có nên trong năm nay, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là chưa thể kéo gần lại được.

“Đối với những người mua vàng tích trữ dài hạn, từ 10 - 20 năm thì nên đi vào hướng vàng nhẫn, bởi vì khi đã sẵn sàng tích trữ dài hạn thì nên chọn loại vàng có giá sát với giá thế giới để tránh tình trạng 5-10 năm nữa, chính sách nhà nước thay đổi, giá vàng SJC lại kéo sát về gần với giá vàng thế giới, khi đó nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ. Còn đầu tư trong ngắn hạn, 1-2 năm thì nhà đầu tư có thể lựa chọn giữa hai loại và vàng miếng vẫn là đảm bảo”, ông Hưng khuyến nghị.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm