Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Jerome Powell đã tiết lộ về cách tiếp cận cứng rắn chưa từng có nhằm kiềm chế lạm phát. Theo đó, NHTW có thể sẽ thực hiện 2 lần nâng lãi suất với 0,5 điểm phần trăm trở lên và cho biết thị trường lao động đang ở trạng thái "quá nóng".
Ông Powell phát biểu tại cuộc hội thảo do IMF tổ chức hôm 21/4 tại Washignton: "Tôi cho rằng mức tăng 50 điểm cơ bản sẽ được thảo luận trong cuộc họp vào tháng 5." Ngoài ra, ông nói rằng nhu cầu tuyển dụng tại Mỹ đang là vấn đề rất căng thẳng.
Chủ tịch Fed đang đề cập trực tiếp đến nhu cầu tăng mạnh - một vấn đề mà NHTW muốn giải quyết trong thời gian sớm. Đây là một chiến lược sẽ tạo rủi ro cho thị trường lao động và triển vọng kinh tế Mỹ trong vài tháng tới, cũng như đối với cả Fed trong năm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ.
Ethan Harris – trưởng bộ phận kinh tế toàn cầu của Bank of America Securities, cho biết: "Đây sẽ là cách diễn đạt quen thuộc về việc liệu chúng ta có rơi vào suy thoái hay không. NHTW phải thật sự thắt chặt chính sách tiền tệ và có lẽ họ cần phải giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp."
Ông Powell cũng nhấn mạnh về mức tăng 0,5 điểm phần trăm nữa trong tháng 6, khi nói về biên bản cuộc họp vào tháng trước và cho biết nhiều quan chức lưu ý rằng mức tăng 50 điểm cơ bản có thể là phù hợp để kiểm soát lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ.
Hiện tại, nhà đầu tư đang đặt cược Fed sẽ nâng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm trong tháng 5, tháng 6 và có thể là tháng 7. Lãi suất tăng cho đên snay đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, khi S&P 500 giảm 1,5% chốt phiên 21/4.
James Bullard – chủ tịch Fed St. Louis, cũng tiết lộ về cuộc tranh luận với mức tăng 75 điểm cơ bản nếu cần thiết. Trong khi đó, các quan chức có quan điểm ôn hòa hơn như chủ tịch Fed San Francisco – Mary Daly, nói rằng NHTW có thể sẽ thực hiện 2 lần nâng với nửa điểm cơ bản.
Yelena Shuyatyeva – nhà kinh tế cấp cao về Mỹ tại Bloomberg Economics, nhận định, Powell đã thông qua mức tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 5 nhưng tôi nghĩ tháng 6 Fed cũng thực hiện mức tăng như vậy và có thể còn hơn thế nữa.
Một số ý kiến cho rằng động thái này vẫn là chưa đủ. Những người có quan điểm chỉ trích nói rằng NHTW Mỹ đang bị ràng buộc bởi chính sách mà chính họ đưa ra. Lạm phát bắt đầu tăng mạnh trong quý IV vừa qua, khi các nhà tuyển dụng được vực dậy sau dịch bệnh và có thêm nửa triệu người lao động/tháng. Tiền lương và nhu cầu tăng lên khiến áp lực lạm phát lớn hơn trong toàn bộ nền kinh tế, ngay cả Fed tiếp tục hỗ trợ khi giữ lãi suất ở mức 0 và tiếp tục mua trái phiếu.
Năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách muốn tránh việc thắt chặt chính sách quá mạnh tay. Song, sự kết hợp giữa các gói kích thích tài khóa, hỗ trợ tiền tệ và nhu cầu hồi phục đang khiến họ phải chịu áp lực lạm phát gia tăng.
CPI tháng 3 đã tăng 8,5% so với 1 năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1981. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân – được Fed sử dụng để đo lường mục tiêu lạm phát, cũng tăng 6,4% trong năm tính đến tháng 2. Trong khi đó, xung đột Nga – Ukraine sẽ còn đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao hơn nữa.
Giờ đây, các quan chức Fed đang nỗ lực đưa lãi suất về mức trước khi các gói kích thích được tung ra.
Một yếu tố không chắc chắn khác trong chiến lược chính sách của Fed là những gì xảy ra với điều kiện tài chính khi các quan chức bắt đầu giảm tài sản khỏi bảng cân đối kế toán. Giới chức Fed đã báo hiệu quá trình này sẽ được công bố vào tháng 5, với việc cắt giảm 95 tỷ USD giá trị tài sản/tháng khỏi bảng cân đối kế toán, cùng với đó trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp.
Shulyatyeva nhận định: "Fed muốn tin rằng họ có thể thực hiện đợt soft landing. Nhưng việc này rất khó, chính sách tiền tệ là một công cụ không mấy sắc bén."
Tham khảo Bloomberg