Khi tin tức về giá xăng tăng vọt trên các tiêu đề, Yasmine Camilla đã thấy hóa đơn năng lượng của mình tăng gấp đôi “gần như chỉ sau một đêm”. Cô nàng nói rằng việc đổ đầy bình giờ đây sẽ đắt hơn từ 30% đến 40% so với trước.
“Tôi có thói quen đổ đầy xăng cho chiếc xe của mình. Tôi luôn sử dụng thẻ tín dụng và không mảy may lo lắng suy nghĩ đến giá xăng tăng hay lạm phát cho đến khi phát hiện ra bản thân đang nợ 50.000 đô la (hơn 1 tỷ đồng).”
Sau đó, thói quen chi tiêu của cô nàng đã đi theo một chiều hướng khác. “Khi đến cây xăng, thay vì đổ đầy bình như trước, tôi chỉ đổ xăng dựa trên số tiền mặt mình đang có.”
Sau khi nhận ra giá năng lượng, khí đốt và thói quen tiêu dùng trước kia đã khiến bản thân mắc nợ, giờ đây Yasmine chỉ thanh toán bằng tiền mặt. Cô nàng thấy rằng đây là cách giúp bản thân kiểm soát được những khoản chi tiêu cá nhân. Tránh câu chuyện quẹt thẻ “quá tay” và không biết tiền của mình đã chi vào đâu mỗi ngày.
Yasmine bắt đầu tiết kiệm bằng cách sử dụng tiền mặt vào tháng 9. Điều đó đã giúp cô chú ý đến mọi khoản chi tiêu và hạn chế chi tiêu. Cô nàng tuyên bố nó thậm chí còn có thể giúp bản thân xóa nợ trong 5 tháng và tích lũy tiền tiết kiệm - điều mà Yasmine nói rằng cô ấy “chưa từng có” trong đời.
Chiến lược chỉ sử dụng tiền mặt bắt đầu như thế nào?
1. Bắt đầu từ những việc nhỏ
Nhiều người cho rằng, khi nói đến vấn đề tài chính hoặc lập ngân sách , nó có thể thật sự quá sức. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng mọi người nên bắt đầu lên kế hoạch với chi phí ngôi nhà của mình. Chỉ cần bắt đầu bằng cách liệt kê 4 hoặc 5 chi phí mà bạn có thể dễ dàng giải quyết. Đó có thể là tiền thế chấp, hóa đơn điện nước, thực phẩm và tiền xăng cho chiếc xe của bạn. Hãy xác định một số tiền cần phải để ra bằng tiền mặt, và nhất quán để ra đúng con số đó mỗi tháng ngay khi nhận tiền lương.
Chiến lược chỉ sử dụng tiền mặt không phải là một giải pháp nhanh chóng ngay lập tức có thể nhìn thấy kết quả. Bạn có thể bắt đầu với chi phí đang bội chi hàng tháng, như vậy bạn thường sẽ có động lực hơn.
Nếu bạn thấy nó thực sự giúp duy trì kiểm soát chi tiêu, hãy mở rộng sang lĩnh vực khác mà bạn đang gặp khó khăn. Bạn không nhất thiết phải áp dụng chiến lược này cho tất cả các vấn đề tài chính của mình ngay từ đầu.
2. Đặt sự an toàn lên hàng đầu
Bạn cần cẩn thận khi để một lượng lớn tiền mặt ở nhà. Nó sẽ dễ bị mất cắp và những trường hợp hy hữu như bạn không nhớ mình để tiền ở đâu cũng có thể xảy ra. Hơn thế nữa, rất khó để có thể quản lý và luôn để mắt vào “1 cục tiền”.
Với số tiền bạn đã tách ra để dành riêng cho khoản chi phí hàng tháng của mình, bạn vẫn có thể gửi tiết kiệm ngân hàng với thời gian ngắn, chẳng hạn như 2 tuần. Có thể số lãi không có nhiều nhưng nó sẽ giúp bạn lưu trữ tiền an toàn hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tiết kiệm được 1 số tiền không ngờ. Bởi vì thường nếu không có tiền trong người, chúng ta sẽ không tiêu. Từ đó hạn chế được những nhu cầu tiêu dùng không cần thiết. Và có thể giúp bạn kiểm soát được thói quen chi tiêu hiệu quả và hợp lý hơn.
3. Hiểu rõ ý nghĩa
Trong một vài trường hợp, việc sử dụng tiền mặt sẽ gây bất lợi hơn so với thanh toán bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng. Chẳng hạn, trong túi bạn chỉ có một số tiền đủ để mua thức ăn hôm nay, nhưng chợt nhận ra bản thân cần mua thêm một số đồ. Song ví tiền không còn đồng nào, và bạn sẽ phải về nhà để lấy thêm tiền mặt mua đồ. Đây có thể là một trải nghiệm không dễ dàng.
Hay khi bạn nghĩ về thời gian mà bạn phải dành để tạo ngân sách, đến ngân hàng để rút tiền… sau đó trở về nhà, chia tiền, bỏ tiền vào phong bì. Bạn có thời gian để dành cho việc này không?
Bạn cần hiểu rõ ý nghĩa của chiến lược chỉ sử dụng tiền mặt “cam kết, mục tiêu và xây dựng kế hoạch chi phí”. Bên cạnh đó, hãy xem xét động cơ đằng sau việc sử dụng chiến lược này vì bạn có thể dễ dàng chi tiêu quá mức tiền mặt, hoặc rút dần từ quỹ này sang quỹ khác. Bạn phải có một số quy tắc nghiêm ngặt để tránh mất đi sự kỷ luật.
Ảnh: Tổng hợp