Nếu muốn tránh ăn thịt để hạn chế giết mổ động vật và khí nhà kính, người tiêu dùng giờ đây sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn hơn so với 1 thập kỷ trước. Đối với những người thu nhập không cao, bánh mì kẹp thịt giả chay từ những công ty như Beyond Meat hay Impossible Foods được cho là phù hợp. Tuy nhiên, chúng không phải thịt, lại chứa rất nhiều muối, chất béo bão hòa và vì vậy, không thể sử dụng trong hầu hết các chế độ ăn kiêng.
Thật may, vẫn còn sự lựa chọn khác dành cho những người đang tìm kiếm loại protein tốt hơn cho sức khỏe: thịt nuôi cấy từ các tế bào trong phòng thí nghiệm. Nhờ cuộc cách mạng công nghệ sinh học, tế bào động vật đã có thể được nuôi cấy quy mô lớn trong các nhà máy chứa đầy máy móc bằng thép không gỉ. Trong nhiều thập kỷ, các công ty như Pfizer và Johnson&Johnson cũng nuôi cấy một lượng lớn tế bào để sản xuất vaccine, kháng thể đơn dòng và các liệu pháp sinh học khác. Sáng kiến tiếp theo là chúng ta cũng có thể ăn những tế bào này.
Ba công ty khởi nghiệp lớn trong lĩnh vực, Believer Meats, Eat Just và Upside Foods, đã huy động được hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm để đưa sản phẩm thịt nuôi cấy thí nghiệm lên các kệ hàng tạp hóa. Từ Vùng Vịnh đến Trung Đông, các cơ sở nghiên cứu và nhà máy thí điểm cũng đang sản xuất một lượng nhỏ thịt gà - thứ được kỳ vọng có thể mang lại cảm giác như ăn thịt thật.
Cuối năm ngoái, Upside trở thành công ty đầu tiên nhận được sự cho phép chính thức của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ để tung sản phẩm ra thị trường. Cả Believer Meats, Eat Just và Upside Foods đều đẩy mạnh hợp tác với các nhà hàng phân phối với hy vọng thịt nuôi cấy có thể tiếp cận nhiều tệp khách hơn.
“Đây là thịt,” Giám đốc điều hành Uma Valeti của Upside Foods cho biết tại một hội nghị cách đây hơn một năm. “Gọi nó khác đi thì sẽ gây hiểu lầm đấy. Ở cấp độ tế bào, những người ủng hộ protein thay thế cho biết, không có gì khác biệt. Và đó là sự thật 99,9%”.
Tuy nhiên, để nuôi cấy tế bào phát triển với tốc độ đủ nhanh, một số công ty, bao gồm cả Big Three, đang âm thầm sử dụng cái được gọi là tế bào bất tử - thứ mà hầu hết mọi người chưa bao giờ cố thử. Các tế bào này, về mặt kỹ thuật, được cho là có thể gây ung thư.
“Đừng lo lắng” - Các nhà nghiên cứu ung thư nổi tiếng nói với Bloomberg Businessweek vì những tế bào này không phải của con người. Điều chúng ta nên lo là khả năng gây ung thư từ những loại thịt nuôi trong trang trại cơ.
Theo Bloomberg, các công ty sản xuất thịt nuôi cấy đang cố gắng không để thông tin tiêu cực trên lưu giữ trong tâm trí khách hàng. Ngay cả khi loại thịt này không gây ung thư, việc mọi người nhắc đi nhắc lại một vấn đề sẽ khiến chúng không còn ngon và thú vị nữa.
Theo Giám đốc khoa học của Believer Meats Yaakov Nahmias, công ty này sử dụng tế bào bất tử trong gà nuôi cấy và chúng hoàn toàn vô hại. Eric Schulze, phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề khoa học và quy định toàn cầu của Upside Foods, thì cho biết công ty ủng hộ sự chấp thuận của FDA và các quy định an toàn. “Quy trình chúng tôi áp dụng đã có từ nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ nay trong sản xuất thực phẩm. Sản phẩm của chúng tôi an toàn như thịt gà bạn ăn hàng ngày”.
Tuy nhiên, phỏng vấn với những người đồng ngành cho thấy, rõ rằng, ngành công nghiệp thịt nuôi cấy vẫn đang lo lắng về rủi ro tế bào bất tử. Cơn ác mộng này đã trở thành chủ đề lặp đi lặp lại của những người trong cuộc.
“Đó là điều xảy ra khá thường xuyên,” Kimberly Ong, chuyên gia tư vấn tại công ty an toàn công nghệ sinh học Vireo Advisors LLC, cho biết trong một bài phát biểu tại Brooklyn. Một số công ty khởi nghiệp thậm chí đã phải tránh sử dụng hoàn toàn các tế bào bất tử dù điều này khiến họ mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn.
Các công ty thịt nuôi cấy vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể sản xuất hàng loạt với giá cả phải chăng. Nếu vượt qua được những rào cản trên trong một hoặc hai thập kỷ tới, họ sẽ có thể tái tạo lại ngành kinh doanh thịt trị giá hàng nghìn tỷ USD; song nếu thất bại, bánh mì kẹp thịt giả chay nhiều chất béo sẽ vẫn là sự lựa chọn thay thế tốt nhất trong một thời gian dài.
Theo Bloomberg, những người PR protein thay thế sẽ có xu hướng làm cho các sản phẩm nuôi cấy tế bào trở nên ảo diệu. Chỉ cần lấy mẫu tế bào từ một con bò, lợn, gà hoặc cá hồi và sau đó nuôi cấy vô tận đến khi nó trở thành bánh mì kẹp thịt, thịt xông khói hoặc bít tết. Giám đốc điều hành Eat Just Josh Tetrick tại lễ động thổ nhà máy ở Singapore nói: “Từ một tế bào đó, bạn có thể tạo ra hàng tỷ pound thịt”.
Tuy nhiên, các tế bào bình thường từ gia súc không thể phân chia mãi mãi, tức nhân lên vài chục lần rồi sẽ ngừng phát triển hoặc chết đi. Đây được gọi là giới hạn Hayflick - một vấn đề lớn đối với bất kỳ công ty nào muốn sản xuất thịt nuôi cấy. “Bạn sẽ không bao giờ có thể phát triển thịt nuôi cấy quy mô lớn chỉ nhờ một vài các tế bào bình thường ban đầu”, một báo cáo nói.
Tế bào bất tử theo đó ra đời. Chúng đã được sử dụng trong các nghiên cứu y học từ đầu những năm 1950, khi dòng tế bào bất tử đầu tiên của một phụ nữ bị ung thư tên Henrietta Lacks được nuôi cấy thành công trong phòng thí nghiệm. Lacks sau đó được nhiều người coi là nạn nhân của y đức vì các tế bào của cô bị lấy đi mà không hề có sự xin phép.
Ngày nay, một số loại vaccine cũng được phát triển bằng cách sử dụng tế bào bất tử của con người. Quá trình này rất giống với việc làm thịt nuôi cấy. Chúng được nuôi trong lò phản ứng sinh học để rồi cuối cùng tạo ra khối tế bào nặng hàng nghìn pound.
Cho tới nay, không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy thịt nuôi cấy từ các tế bào bất tử sẽ gây ung thư. Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng các enzym tiêu hóa của con người đều sẽ có thể phá vỡ các tế bào ung thư động vật. “Về cơ bản, tế bào của một loài không thể đứng trong các mô của loài khác. Vì vậy, ngay cả khi người ta lấy các tế bào ác tính từ một con bò và ăn chúng, tôi cũng không thấy điều gì xảy ra”, Robert Weinberg, nhà sinh vật học tiên phong của Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.
Theo Liên Hợp Quốc, ngành chăn nuôi toàn cầu chịu trách nhiệm tới 14,5% tổng lượng khí nhà kính trên thế giới, trong đó, phần lớn đến từ hoạt động chăn nuôi gia súc. Nhiều người ăn thịt có ý thức bảo vệ môi trường bắt đầu chuyển sang ăn đậu lăng, song cũng chỉ được một thời gian ngắn. Ước tính dân số thế giới sẽ tăng 11% trong thập kỷ tới, và dĩ nhiên, mức tiêu thụ thịt sẽ tiếp tục tăng lên.
Thịt được nuôi cấy được kỳ vọng có thể trở thành giải pháp. Năm ngoái, các nhà đầu tư đã rót 1,4 tỷ USD vào ngành công nghiệp non trẻ này, theo Good Food Institute, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ các loại protein thay thế. Trong khi đó, số lượng các công ty tham gia sản xuất thịt nuôi cấy tế bào trên toàn thế giới đã tăng lên 107.
Theo Bloomberg, cạnh tranh trên thị trường thịt nhân tạo bắt đầu sôi động kể từ khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ tuyên bố thịt gà được sản xuất bởi Upside Foods - một đối thủ của Aleph's có trụ sở tại Berkeley, California, rất an toàn. Động thái trên được ví như “phước lành” đối với thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, dù Upside Food sau đó vẫn phải vượt qua các rào cản bổ sung với Bộ Nông nghiệp Mỹ trước khi bán sản phẩm ra thị trường.
Tuy nhiên, ngay cả khi những công ty như Upside và Aleph đáp ứng đủ những yêu cầu từ cơ quan quản lý, con đường dẫn đến lợi nhuận vẫn khó lòng được đảm bảo. Cho đến nay, chỉ Singapore cho phép bán thịt nuôi từ phòng thí nghiệm, bởi duy nhất một công ty: Eat Just. Dẫu vậy, Eat Just, có trụ sở chính tại Alameda, Calif., cho đến nay vẫn chưa có lời vì chi phí sản xuất quá lớn.
Theo Hanna Tuomisto, lãnh đạo nhóm nghiên cứu Hệ thống lương thực bền vững tại Đại học Helsinki, mọi thứ đều không chắc chắn. “Hồi 2008, mọi người nói rằng những sản phẩm thịt nhân tạo sẽ có mặt sau 5 năm nữa. Sự thật là tới 14 năm sau, dự đoán trên mới thành sự thực. Vậy nên càng ngày, tôi càng hoài nghi”, bà Hanna Tuomisto nói.
Theo một nghiên cứu độc lập được thực hiện bởi Viện Thực phẩm và Hành động Toàn cầu vì Quyền lợi Động vật, lượng khí thải carbon từ thịt nhân tạo có thể thấp hơn 92% so với thịt bò sản xuất theo cách truyền thống. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như vậy, các công ty khởi nghiệp sẽ phải ứng dụng 100% năng lượng tái tạo.
Theo: Bloomberg