Kết luận Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sáng 8/2, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó có vướng mắc về tín dụng. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng. Thống đốc hy vọng Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng trong tháng 2 này sẽ có những quyết sách cụ thể.
Thông qua Hội nghị, Thống đốc tóm tắt 17 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội, cụ thể gồm: Làm rõ, bổ sung các quy định về mục đích vay vốn; quy định về hình thức giải ngân; giãn nợ 24 – 36 tháng; đề xuất giữ nguyên nhóm nợ, không nên phân biệt hệ số rủi ro; cần có hướng dẫn về tín dụng đối với việc phát triển khu đô thị; mở room tín dụng riêng cho bất động sản, vốn để xây dựng nhà ở xã hội; có cơ chế riêng cho bất động sản du lịch (condotel); phối hợp với Bộ Tài chính xử lý những khó khăn, vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp; sửa Thông tư 16 cho phép cấp tín dụng để cơ cấu lại khoản vay; nên có một gói hỗ trợ lãi suất tương tự với gói 30.000 tỷ năm 2013,…
Về phía các ngân hàng, năm 2022 là một năm rất khó khăn. Trong năm 2023, các ngân hàng đều khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp bất động sản. Trong điều kiện phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống, các ngân hàng cho rằng, nguồn vốn ngắn hạn có vẻ thuận lợi, còn nguồn vốn trung và dài hạn phải phục thuộc vào việc cân đối vốn của các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đại diện NHNN cho rằng việc này đòi hỏi từ hệ thống ngân hàng, từ chính các doanh nghiệp, các dự án phải minh bạch và đủ điều kiện; các doanh nghiệp cũng phải tự mình trong việc tái cơ cấu để phù hợp với khả năng tài chính và khả năng quản lý dòng tiền của mình,…
“Riêng đối với NHNN, năm 2023 chúng tôi đã họp và thống nhất sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng. Ban lãnh đạo cũng giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu để xem lộ trình như thế nào, nhưng vẫn đảm bảo điều hành tín dụng, đáp ứng vốn cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14 – 15%, có điều chỉnh tùy theo tình hình. Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt hơn. Nhưng nếu lạm phát có nguy cơ rủi ro tăng cao thì lúc đó NHNN sẽ có điều chỉnh phù hợp”, Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, bản thân NHNN không “bó cứng” room cho tăng trường tín dụng vào bất động sản, chúng tôi chỉ có định hướng chung là thông báo cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở các tổ chức hoạt động an toàn, lành mạnh. Còn việc phân bổ cho các chi nhánh, địa phương là do các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán thì ko phải là rủi ro của việc tín dụng thuần túy, có thể là một dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng ngân hàng không cho vay được vì nếu cho vay dài hạn, ngân hàng sẽ không đảm bảo được khả năng an toàn hoạt động, người dân đến rút tiền sẽ không có tiền trả. Do đó, rủi do ở đây là việc chênh lệch kỳ hạn và an toàn hệ thống”, Thống đốc nhấn mạnh.
Liên quan đến các kiến nghị quy định về hệ số rủi ro hay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, theo bà Hồng, đây cũng là mục tiêu để đảm bảo an toàn hoạt động và an toàn thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng. Trên thực tế NHNN chưa có văn bản nào nêu vấn đề thắt chặt tín dụng vào bất động sản. Ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc cho vay, thẩm định của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của từng ngân hàng và của hệ thống.
Về định hướng điều hành năm 2023, để thực hiện các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp địa ốc và tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, NHNN đã có một số yêu cầu đối với các TCTD.
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản đã hoàn thiện pháp lý, có khả năng trả nợ.
Thứ hai, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Thứ ba, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng tín dụng, không nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.
Thứ tư, chủ động rà soát, phân loại, đánh giá các dự án bất động sản đang cấp tín dụng để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; kịp thời có giải pháp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động tốt.
“Đồng thời, đảm bảo thực hiện các thỏa thuận hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết với doanh nghiệp địa ốc và người mua nhà. Đây là điểm rất quan trọng vì các tổ chức tín dụng mới là người trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng chỉ đạo các chi nhánh ở từng địa phương có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để làm rõ lý do vì sao doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn,…”, đại diện NHNN nêu rõ.
Thứ năm, xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Thứ sáu, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung; kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng hoặc nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD,... đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, nhất là đối với các doanh nghiệp có trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn thanh toán, thực hiện đầu tư trái phiếu doanh nghiệp theo đúng quy định,…
Đối với các đơn vị thuộc NHNN, Thống đốc chỉ đạo rà soát, tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội một cách nghiêm túc để tham mưu với ban lãnh đạo khẩn trương có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và những vướng mắc phát sinh để báo cáo, tham mưu,... Tăng cường kiểm tra, thanh tra các ngân hàng cho vay dồn vốn cho các doanh nghiệp, tập đoàn sân sau của mình.
“Những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản cần giải pháp của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Mong rằng các đơn vị cùng phối hợp với NHNN để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này”, Thống đốc nói.
Doanh nghiệp bất động sản cần phải cơ cấu lại
Về phía các doanh nghiệp, Thống đốc NHNN cũng có một số ý kiến. Thứ nhất, các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung. Nếu vĩ mô bất ổn thì doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Do đó, khi nền kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính tiền tệ có rủi ro bất ổn định, chắc chắn các cơ quan điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách kinh tế để ổn định vĩ mô. Đôi khi những chính sách này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và đó là sự đánh đổi. Do đó, các doanh nghiệp phải theo dõi diễn biến vĩ mô trong nước và thế giới, các chính sách của Chính phủ để chủ động việc đầu tư và sản xuất kinh doanh.
“Tôi nghe một lãnh đạo Bộ Xây dựng nói tại một cuộc họp rằng, có doanh nghiệp (cũng có mặt tại đây) cùng một lúc triển khai trên 50 dự án. Tôi cũng không hiểu việc triển khai đồng thời nhiều dự án như vậy thì doanh nghiệp có chủ động được những khó khăn hay không. Do đó, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch và thận trọng khi xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh”, vị này nói.
Thứ hai, Thống đốc NHNN bày bỏ mong muốn, trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp đều cần chú trọng trong việc quản trị dòng tiền của mình. Có những doanh nghiệp có rất nhiều dự án và tài sản giá trị lớn, nhưng khi cần tiền ngay lại khó vì bán một dự án không phải dễ, việc này phụ thuộc vào người mua, vào thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính,…
Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp cần phải có giải pháp cơ cấu và quản trị lại, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng.
Thứ tư, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Nếu doanh nghiệp cứ phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát rất cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt sẽ gặp khó khăn.
Thứ năm, Thống đốc mong rằng bản thân các doanh nghiệp tích cực phát triển những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Về phía hệ thống ngân hàng cũng sẽ có giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này.