Thông tin tại hội nghị với các doanh nghiệp bất động sản sáng ngày 8/2, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, cho biết NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản.
“Đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn để đảm bảo an toàn hệ thống. Tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác. Đến nay, NHNN nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Theo Phó Thống đốc, bất động sản là một trong những thị trường có quan hệ liên thông trực tiếp với thị trường tiền tệ, tín dụng... Thời gian qua thị trường bất động sản xuất hiện một số hiện tượng như mất cân đối cung cầu, dư thừa nguồn cung phân khúc cao cấp và thiếu hụt căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội. Tình trạng sốt đất cục bộ diễn ra kể từ đầu năm 2021, sau đó thanh khoản giảm mạnh, đặc biệt là phân khúc đất nền.
Bên cạnh đó, các vụ việc xảy ra trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp khiến nhà đầu tư mất niềm tin, qua đó gây khó khăn trong việc huy động vốn của doanh nghiệp.
Từ thực trạng nói trên, thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp.
Thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, các hoạt động kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường,....
Đồng thời, NHNN phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững, đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD.
- TIN LIÊN QUAN
-
Căn hộ dưới 2 tỷ dần biến mất, xuất hiện nhà đất 500 - 700 tỷ/căn 20/07/2022 - 07:44
-
Sau 4 năm, thời gian để người Việt có thể mua nhà tăng từ 35 năm lên 57 năm 15/07/2022 - 12:03
-
'Chủ đầu tư sẵn sàng ôm hàng chứ không giảm giá bán nhà ở' 07/02/2023 - 16:46
Thống kê của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) và các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, khoảng ba năm trở lại đây, nguồn cung nhà ở tại các thành phố lớn thiếu sản phẩm có giá thành phù hợp với nhu cầu của đa số người dân, thay vào đó là sự gia nhập ngày càng nhiều của các dự án hạng sang, có giá đắt đỏ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chia sẻ: “Thị trường bất động sản xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung dự án, nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng mỗi căn, nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. Tình trạng lệch pha thể hiện rõ nhất là nguồn cung phân khúc nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.
Năm 2020, nhà ở bình dân chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 không còn nhà ở bình dân. Trong khi đó, nhà cao cấp chiếm 42,1% trong năm 2020; chiếm 74% trong năm 2021 và chiếm 80,1% trong 6 tháng đầu năm 2022, còn lại là nhà ở trung cấp”.
Bài toán về nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người mua trở thành một vấn đề lớn của thị trường bất động sản TP HCM trong những năm gần đây. Giá sơ cấp của thị trường căn hộ ở TP HCM đã đạt mốc trung bình 124 triệu đồng/m2 vào quý III/2022, theo ghi nhận của Savills Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên thị trường căn hộ TP HCM chứng kiến đến 60% nguồn cung mới có giá hơn 11 tỷ đồng/căn với giá mở bán trung bình 124 triệu đồng/m2.
Thông tin mới nhất do Bộ Xây dựng vừa công bố về nhà ở và thị trường bất động sản quý 4 và cả năm 2022 cho thấy, các dự án căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP HCM và Hà Nội rất ít, các dự án được chào bán ra thị trường trong năm chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp (25-50 triệu đồng/m2) và cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2), thậm chí có một dự án tại TP HCM ghi nhận giá chào bán 105-221 triệu đồng/m2.