Ngày 20/1, Sundar Pichai, CEO Alphabet - công ty mẹ của Google, cho biết họ phải sa thải nhân viên sau khi "xem xét nghiêm ngặt" cấu trúc và tổ chức nội bộ. Trong thời gian ông nắm quyền điều hành, Google cũng đã bị phạt hàng tỷ USD liên quan đến chống độc quyền, bị ChatGPT của OpenAI nhanh chân hơn trong việc thu hút người dùng.
Pichai, người kiếm được hơn 280 triệu USD trong năm 2019, nói sẽ "chịu trách nhiệm hoàn toàn về các quyết định". Ông nhắc đến việc các giám đốc cấp cao, trong đó có ông, sẽ bị cắt một phần khoản thưởng, sau đợt sa thải.
Thế nhưng, theo Ed Zitron, CEO công ty quan hệ công chúng về kinh doanh và công nghệ đa quốc gia EZPR, "phần lớn nỗi đau từ những bước đi lầm lỡ của Pichai đổ thẳng lên vai 12.000 người bị cho thôi việc". Những nhân viên bị ảnh hưởng cũng chỉ nhận được thông tin qua email, kể cả những người có thành tích cao hoặc làm việc lâu năm.
Tương tự, hồi tháng 11 năm ngoái, khi cắt giảm 11.000 nhân viên, CEO Meta Mark Zuckerberg thừa nhận đã tính toán sai khi thương mại điện tử không tiếp tục tăng trưởng mà quay về mốc trước đại dịch.
"Tôi đã sai, và tôi xin chịu trách nhiệm về điều đó", ông nói.
Zitron nhận định trên Business Insider rằng kiểu nhận trách nhiệm này đang lan tràn khắp Thung lũng Silicon. CEO tại các công ty công nghệ đặt công ty của họ vào một lộ trình không bền vững, đầu tư hàng loạt dự án kinh doanh mới, tuyển dụng ồ ạt và kỳ vọng về sự bùng nổ công nghệ. Khi kỳ vọng đó bị phá vỡ, nhân viên phải chịu hậu quả.
"Bất kỳ giám đốc điều hành nào tham gia vào việc ra quyết định dẫn đến hàng trăm hoặc hàng nghìn người mất việc nên là người rời vị trí", Zitron nêu quan điểm.
Theo The Verge, trong thông báo sa thải, hầu hết công ty công nghệ đổ lỗi cho nền kinh tế xấu đi cũng như tăng trưởng nhân sự quá nhanh trong đại dịch, nên giờ họ phải tái cấu trúc theo hướng tinh gọn. Jeffrey Pfeffer, giáo sư tại Đại học Stanford, đánh giá làn sóng sa thải lần này diễn ra giống như "các công ty công nghệ đang sao chép lẫn nhau".
"Các hãng công nghệ lớn đã tiêu tiền như những ngôi sao nhạc rock thập niên 1980 trong 4-5 năm qua. Có vẻ giờ họ đã trưởng thành", nhà phân tích Dan Ives của công ty nghiên cứu thị trường Wedbush, nhận xét.
Big Tech khởi sắc sau sa thải
Bốn hãng công nghệ lớn là Amazon, Meta, Alphabet và Microsoft cho biết phải bỏ ra tổng cộng 10 tỷ USD cho việc sa thải hàng loạt và cắt giảm chi tiêu. Meta nói đã chi 4,6 tỷ USD cho tái cấu trúc, trong đó phí đền bù thôi việc là 975 triệu USD. Đại diện Amazon cho hay công ty chi 640 triệu USD cho quá trình giảm 18.000 người. Mức đền bù cho nhân viên ở Google có thể là từ 1,9 tỷ đến 2,3 tỷ USD, còn Microsoft là 1,2 tỷ USD cho đợt sa thải lớn nhất với 10.000 người.
Đổi lại, vốn hóa của bốn công ty này đã tăng 800 tỷ USD từ tháng 11 năm ngoái đến nay.
"Việc sa thải có thể bảo vệ danh tiếng CEO và xoa dịu các nhà đầu tư, nhưng gây tổn hại lớn cho người lao động, kể cả người được trả lương cao. Họ phải đối mặt với thiệt hại về nghề nghiệp, sức khỏe tinh thần lẫn thể chất", Zitron nhận định.
Theo kết quả nghiên cứu từ Đại học Stanford tháng 12/2022, việc cắt giảm nhân sự gây tác động tiêu cực tới năng suất, ngăn cản sự đổi mới và có thể dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận của một doanh nghiệp trong dài hạn. Sa thải khiến cuộc sống của những người ở lại cũng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi nhiều công ty cắt giảm phúc lợi.
Apple hiện là hãng công nghệ lớn hiếm hoi tại Thung lũng Silicon chưa tham gia làn sóng sa thải, nhưng đã đóng băng tuyển dụng tới tháng 9.