Ngày 6/2, Ngoại hạng Anh liệt kê hơn 100 vi phạm của Man City về điều lệ giải, chủ yếu liên quan đến tài chính. Từ mùa 2009-2010 đến 2017-2018, CLB đều được cho là vi phạm ít nhất bốn mục trong điều lệ, nhiều nhất là quy định các CLB phải cung cấp tình hình tài chính, đặc biệt về doanh thu, chi phí hoạt động của đội và các bên liên quan.
Một hội đồng xét xử sẽ được chọn ra để xác định án phạt đối với Man City nếu có. Nếu bị buộc tội, CLB đứng trước nguy cơ bị phạt như trừ điểm, đình chỉ thi đấu hoặc loại khỏi giải.
Ngoại hạng Anh đã mất bốn năm điều tra nguồn tài liệu "Football Leaks" mà tạp chí Der Spiegel của Đức nhận được để đưa ra cáo buộc với Man City. Tài liệu do hacker tay ngang Rui Pinto, sinh năm 1988 tại Bồ Đào Nha, tiết lộ.
"Kẻ thổi còi"
Theo The Athletic, những người không ưa Pinto coi anh là "tên cướp với chiếc laptop trên tay". Còn người ủng hộ đánh giá hacker này đã có đủ dũng khí chiếu sáng góc tối tăm của môn thể thao vua. Trong khi đó, các luật sư của Pinto gọi anh là "người thổi còi vĩ đại của bóng đá châu Âu".
Trước khi thành tâm điểm trong thế giới bóng đá, Rui Pinto là sinh viên chuyên ngành Lịch sử tại Đại học Porto. Năm 20 tuổi, anh bắt đầu tự mày mò về các kỹ thuật hack. Năm 2015, anh bất ngờ nổi tiếng với biệt danh John - hacker đứng sau Football Leaks, trang chuyên tiết lộ những bí mật liên quan tới bóng đá.
"Trang web được lập ra để tiết lộ góc khuất của bóng đá. Thật không may, môn thể thao chúng ta yêu thích đã mục nát và đã đến lúc phải làm sáng tỏ mọi thứ", Football Leaks nêu.
Hàng loạt hợp đồng cầu thủ và huấn luyện viên đã tiết lộ những điều khoản kỳ lạ và số tiền người trong cuộc kiếm được. Các ông lớn của bóng đá châu Âu như Atletico Madrid, Porto, Benfica, Sporting, Monaco, Marseille, Sevilla, Valencia và FC Twente đã bị gọi tên. Cuối 2015, đội bóng Twente của Hà Lan bị cấm thi đấu ở châu Âu trong ba năm và bị phạt gần 300.000 USD sau khi bị phanh phui sai phạm trên trang này.
Năm 2016, Pinto cung cấp cho Der Spiegel 1,9 terabyte dữ liệu, tương đương 500.000 cuốn Kinh thánh. Tính đến cuối 2018, hacker người Bồ Đà Nha đã tiết lộ 3,4 terabyte và 70 triệu tài liệu liên quan, trong đó có thông tin về Man City.
Khi đó, Pinto được xem là "quả bom hẹn giờ di động của làng bóng đá". Trong những tài liệu được công bố, có nhiều điều khoản kỳ lạ trong hợp đồng. Ví dụ, quy tắc "không mang giày đỏ" được Real Betis áp đặt cho Rafael van der Vaart, hay Real Madrid đã đề nghị giảm phí chuyển nhượng mà Tottenham trả cho Gareth Bale để bảo toàn vị thế của Cristiano Ronaldo là cầu thủ bóng đá đắt giá nhất năm 2013.
Từ tín đồ bóng đá đến hacker tay ngang
Trả lời The Black Sea, Pinto khẳng định mình không phải hacker thực thụ. Khi được hỏi lý do một sinh viên lịch sử lại tìm đến thế giới hack, anh nói: "Tôi hâm mộ bóng đá từ nhỏ. Nhưng càng lớn, tôi càng hiểu các vụ chuyển nhượng đang đi sai hướng. Nguyên nhân chính là vụ bê bối của FIFA năm 2015. Tôi bắt đầu thu thập dữ liệu từ đó".
Theo điều tra của cảnh sát Bồ Đào Nha, cuối tháng 9/2015, Pinto hack tài khoản email của ban lãnh đạo và bộ phận pháp lý của CLB Sporting Lisbon cùng máy chủ của Doyen Sports, công ty mua quyền sở hữu của nhiều cầu thủ.
Khi mới khởi xướng Football Leaks, Pinto từng nhận được một số lời đề nghị mua lại thông tin với giá lên đến nửa triệu euro nhưng anh từ chối. Sau đó, ngày càng nhiều người chia sẻ tài liệu bí mật với website này, khiến lượng thông tin ngày một lớn. "Tôi đọc từng tài liệu mỗi ngày. Càng đọc càng sốc", Pinto nói.
Sau những thông tin chấn động, nhiều cầu thủ, câu lạc bộ và tổ chức đã bị điều tra. Pinto cũng nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng. Sau một thời gian ẩn danh, ngày 16/1/2019, anh bị cảnh sát Budapest (Hungary) bắt giữ. Trong căn hộ của anh khi đó, cảnh sát thu giữ một máy tính, 13 ổ cứng, ba điện thoại di động và một số thiết bị điện tử. Đến tháng 3/2019, hacker được dẫn độ từ Hungary về Bồ Đào Nha với tổng cộng 147 tội danh, đối mặt 30 năm tù. Tháng 8/2020, anh được thả tự do.
Cuộc đời của Rui Pinto sau đó được dựng lại trong bộ phim tài liệu A Game of Secrets năm 2022.