Theo số liệu mới được ngân hàng Nhà nước công bố, trong ngày 2/2 vừa qua kỳ hạn 9 tháng, lãi suất liên ngân hàng (các nhà băng vay mượn lẫn nhau) tăng từ 9,61% lên 13% với khối lượng giao dịch 200 tỷ đồng. Mức lãi suất này cao hơn so với trước Tết Nguyên đán và tăng đáng kể so với cuối năm ngoái.
Trong phiên, các ngân hàng vay mượn qua đêm lẫn nhau hơn 225.700 tỷ đồng với lãi suất 6,26% một năm, cao hơn 0,17% so với trước Tết và hơn 1,7% so với cuối năm ngoái.
Ngoài ra, lãi suất vay kỳ hạn 1 tuần cũng lên 6,46% một năm với khối lượng giao dịch 21.797 tỷ. Các kỳ hạn khác như 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng cũng tăng lên so với trước Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), để đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao, quanh 7%/năm với các kỳ hạn 1-3 tháng.
Trái ngược với đà tăng mạnh của kênh lãi suất liên ngân hàng, kể từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2 lãi suất tiết kiệm huy động từ dân cư liên tục được các nhà băng điều chỉnh giảm.
Trong tuần làm việc mới sau Tết Quý Mão, trong khi lãi suất nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) chưa có điều chỉnh thì không ít ngân hàng tư nhân đã hạ 0,1-1% lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn. Tuy nhiên, vẫn có lác đác một vài nhà băng niêm yết lãi suất 10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng ở cả hình thức gửi tại quầy và online.
Lãi tiết kiệm huy động từ dân cư tiếp tục được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, lãi suất 10%/năm đã biến mất khỏi thị trường. Thậm chí, nhiều ngân hàng hạ lãi suất cao nhất xuống sâu hơn mức yêu cầu 9,5%/năm của cơ quan quản lý tiền tệ.
Tại GPBank, tuần trước ngân hàng này vẫn còn niêm yết mức lãi suất cao nhất tại quầy 10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Đến hiện tại, lãi suất cao nhất đã được ngân hàng này hạ xuống còn 9,5%/năm. Tại SeABank, tính đến cuối tuần trước, lãi suất cao nhất tại quầy được nhà băng này niêm yết là 9,2%. Đến hiện tại, con số này chỉ còn 8,2%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng đang có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng cao nhất thấp hơn yêu cầu của cơ quan quản lý như VPBank (9,2%/năm), Techcombank (8,8%/năm), MB (8,2%/năm), MSB (9,3%/năm)...
Theo khảo sát tại kỳ hạn 6 tháng, lãi tiết kiệm tại quầy cao nhất đang được ngân hàng Đông Á niêm yết ở mức 9,35%/năm. Đây cũng là nhà băng có lãi tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 9 tháng ở mức 9,45%/năm.
Với kênh lãi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng, PVcomBank và SCB đang có lãi tiết kiệm cao nhất 9,5%/năm. Tại kỳ hạn 9 tháng, PVcomBank có lãi tiết kiệm cao nhất 9,5%, đứng ngay sau là SCB, Bảo Việt, Kiên Long với mức lãi tiết kiệm 9,4%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy, không có ngân hàng nào niêm yết lãi suất vượt 9,5%/năm. Có hơn 10 nhà băng niêm yết lãi suất từ 9%/năm đến 9,5%/năm có thể kể đến như GPBank, Bắc Á, Bảo Việt, Đông Á, Indovina, Kiên Long, OceanBank, PGBank, PVcomBank, Saigonbank và SCB...
Còn nếu gửi online, chỉ có một số đơn vị vẫn cho khách hàng mức lãi suất cao nhất lên 9,5%/năm là Bảo Việt, Kiên Long, PvcomBank, SCB, NamABank, PGBank và VietBank.
Trước đó, các chuyên gia ở một số công ty chứng khoán từ trước đó cũng dự báo mặt bằng lãi suất ngân hàng sẽ có xu hướng giảm dần trong năm nay, nhất là từ nửa cuối năm. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng trước động thái mạnh tay của cơ quan quản lý tiền tệ, lãi suất huy động tiền gửi sẽ dần giảm nhiệt.