Doanh nghiệp

HAGL kiện VPF: Đối đầu, đổ lỗi không giúp V-League tốt lên

Câu chuyện “độc quyền” giữa HAGL, VPF và hai nhà tài trợ có cùng ngành hàng nước tăng lực vẫn chưa khép lại, ngay cả khi V.League 2023 đã diễn ra với sự hiện diện của đội bóng phố núi. Ngày 7/2/2023, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã nhận đơn khởi kiện của Công ty cổ phần thể thao Hoàng Anh Gia Lai với Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) xung quanh mâu thuẫn tài trợ ở V.League 2023.

Nếu đội bóng phố núi kiện để đòi bồi thường, phán quyết của tòa án sẽ là cơ sở tham chiếu quan trọng để ứng xử trong những rắc rối kiểu như vậy xảy đến ở tương lại. Tuy nhiên, nếu HAGL muốn sửa điều lệ giải, việc kiện VPF có thể là vô nghĩa.

HAGL không nên đổ lỗi cho VPF

Theo nhận định của một luật sư trong lĩnh vực tranh chấp thương mại, tòa án khó có thể đưa ra phán quyết buộc VPF thay đổi điều lệ giải đã ban hành. Dù vậy, HAGL có thể đòi VPF bồi thường nếu chứng minh được thiệt hại do quy định của giải.

HAGL kiện VPF: Đối đầu, đổ lỗi không giúp V-League tốt lên - Ảnh 1.

HAGL vẫn tham dự V-League 2023 sau khi tìm được phương án khai thác tài trợ tuân thủ điều lệ giải.

Tuy nhiên, HAGL lại có quan điểm ngược lại khi khởi kiện VPF. Đội bóng phố núi muốn buộc VPF sửa đổi Điều lệ V-League 2023, loại bỏ các quy định cấm các câu lạc bộ không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính và các quy định về ngành hàng độc quyền tại giải đấu. HAGL không đòi hỏi bồi thường.

Có một chi tiết mà HAGL và bầu Đức dường như đang lờ đi trong các hành động liên quan đến rắc rối với điều lệ giải. Đó là sự tham gia của chính đội bóng phố núi ở phía... bị đơn. Cần nhớ rằng HAGL là một cổ đông của VPF và điều lệ giải được xây dựng trên cơ sở ý kiến của tất cả các CLB trong đó có HAGL.

Mốc thời gian gửi các CLB xem xét và đưa ra ý kiến diễn ra cuối tháng 12/2022. Trong khi đó, thời gian HAGL công bố hợp đồng với nhà tài trợ là ngày 15/1. Như đại diện HAGL chia sẻ, quá trình đàm phán hợp đồng giữa họ và Carabao diễn ra trong một thời gian dài.

Câu hỏi đặt ra là tại sao ngay ở thời điểm xây dựng dự thảo điều lệ, HAGL không quyết liệt yêu cầu bỏ quy định độc quyền ngành hàng? Ngoài ra, trước khi VFF tiến hành phê duyệt thì cần phải thông qua ban chấp hành VFF, trong đó có đại diện của HAGL.

Không chỉ vậy, chính bầu Đức và đội bóng của ông cũng góp phần tạo ra quy định tài trợ độc quyền ngành hàng - thứ mà HAGL cho là bất cập để dẫn tới việc kiện cáo. Quy định này xuất hiện từ cách đây 10 năm và tồn tại trong nhiều mùa giải. Bầu Đức có tiếng nói trong việc này ở giai đoạn 2012-2016 trong vai trò Phó Chủ tịch VPF.

Sự xuất hiện của “độc quyền ngành hàng” đem đến nguồn thu lớn hơn cho VPF và V-League. Trước năm 2012, khi quy định độc quyền chưa hiện diện, V-League chỉ nhận tài trợ mỗi năm trên dưới 10 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả tiền hoa hồng cho đối tác môi giới. Đến khi công ty VPF ra đời, trong đó ông Đoàn Nguyên Đức làm Phó Chủ tịch, mức tài trợ được đẩy lên 30 tỷ đồng/năm.

Có thể thấy, quy định độc quyền ngành hàng ra đời cũng chính vì quyền lợi chung của các CLB. Dù vậy, theo thời gian, sự phát triển của nền bóng đá, giải đấu và các CLB, đến một thời điểm nhất định thì quy định này không còn phù hợp.

Nói như vậy để thấy rằng việc quy định độc quyền ngành hàng gây ra những bất cập không phải là lỗi từ một phía, hay nhiều phía. Sự thay đổi của hoàn cảnh khách quan đôi khi dẫn đến những vướng mắc và đòi hỏi sự điều chỉnh để phù hợp. Đó là quy luật vận động chung không chỉ trong bóng đá.

Không cần ra tòa để sửa điều lệ giải

Nếu đội bóng phố núi kiện để đòi bồi thường, phán quyết của tòa án sẽ là cơ sở tham chiếu quan trọng để ứng xử trong những rắc rối kiểu như vậy xảy đến ở tương lại. Tuy nhiên, nếu HAGL muốn sửa điều lệ giải, việc kiện VPF có thể là vô nghĩa. Thực ra, nếu muốn điều chỉnh luật chơi để phù hợp với hoàn cảnh, HAGL và VPF có cách khác để giải quyết dễ dàng và đi đúng vào bản chất, quy trình hơn so với đưa nhau ra tòa.

HAGL kiện VPF: Đối đầu, đổ lỗi không giúp V-League tốt lên - Ảnh 2.

Nếu thực sự muốn điều chỉnh điều lệ giải, HAGL chỉ cần đề xuất và thuyết phục các cổ đông.

Điều lệ V-League được xây dựng như thế nào? Đầu tiên, VPF sẽ xây dựng dự thảo điều lệ, gửi các CLB (trong đó có HAGL) xem xét, góp ý và hoàn thiện trước khi chuyển tới LĐBĐ Việt Nam phê duyệt. Như vậy, có thể thấy rằng việc ban hành điều lệ không cần tới tòa án phán xử mà trước tiên phụ thuộc vào ý kiến của các CLB chuyên nghiệp tham gia V-League và giải Hạng Nhất Quốc gia của mùa giải tương ứng.

Việc sửa điều lệ trong mùa giải cũng không phải là chưa có tiền lệ. Năm 2021, trong bối cảnh V-League không thể tiếp diễn vì dịch COVID-19, các đội bóng chuyên nghiệp đã tổ chức họp dưới sự chủ trì của VFF, VPF trước khi đưa ra quyết định thuận về số đông về việc hủy giải.

Nói như thế để thấy rằng, quyết định liệu có sửa đổi điều lệ V-League 2023 phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến của các CLB tham gia giải đấu. Nếu như đa số các CLB đồng tình trong việc sửa đổi điều lệ V-League 2023, trong đó bỏ quy định độc quyền ngành hàng, VPF mới triển khai việc sửa đổi.

HAGL không phải đội bóng đầu tiên và duy nhất vướng vào rắc rối khi khai thác tài trợ vì xung đột với quyền lợi của giải đấu. Theo tìm hiểu của VTC News, một số CLB trong những mùa giải trước cũng gặp khó khăn khi ký hợp đồng tài trợ với đối tác trong mùa giải vì xung đột với điều lệ giải đã ban hành. Tuy nhiên, những đội này cũng không đặt vấn đề sửa điều lệ ở mùa giải kế tiếp.

Nhìn chung, nếu HAGL muốn điều chỉnh điều lệ cho phù hợp, họ chỉ cần nêu ý kiến và thuyết phục các cổ đông còn lại của VPF. Điểm mấu chốt là các bên cần ngồi lại với nhau trên tinh thần xây dựng thay vì tạo ra trạng thái đối đầu và cố tình lờ đi bản chất của vấn đề.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm