Đồng bạc xanh phiên này dao động nhẹ, khi tăng, khi giảm với biên độ rất hẹp. Bình luận của Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic, cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất 6 lần trong năm nay và 2 lần trong năm 2023 đã khiến USD giảm nhẹ sau đó, bởi lập trường ấy của ông Bostic ôn hòa hơn so với hầu hết các đồng nghiệp của ông, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đều lo lắng về những tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đối với nền kinh tế nước này.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác của Mỹ, kết thúc ngày 21/3 theo giờ Việt Nam nhích nhẹ 0,2136% lên 98,4466. So với euro, đồng USD tăng 0,25% lên 1,1022 USD.
Thị trường toàn cầu đã biến động trong tháng qua khi tình hình căng thẳng ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, làm tăng giá các mặt hàng như năng lượng và gây áp lực tăng lạm phát - vốn đã rất cao.
Fed tuần trước đã nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm, lần đầu tiên kể từ năm 2018, một nỗ lực nhằm ngăn chặn giá cả tăng quá cao đồng thời cũng cố gắng tránh nguy cơ sai lầm (tăng lãi suất mạnh) có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Các nhà đầu tư hiện đang tập trung phân tích tốc độ và quy mô của các đợt tăng lãi suất của Fed trong tương lai.
Nhà phân tích Joseph Trevisani của FXStreet.com cho biết: "Fed thực sự chỉ tập trung vào những diễn biến ngoài Ukraine, bởi vì lo sợ suy thoái kinh tế". Theo ông: "Fed đã thiết lập chính sách của mình, nhưng không có giải pháp nào hoàn toàn tốt, kể cả khi chỉ xét về khía cạnh lạm phát. Đó không phải là con đường ‘miễn phí’ vì họ không thể biết chắc chắn nền kinh tế sẽ như thế nào".
Ông Powell có bài phát biểu tại Hội nghị Chính sách Kinh tế Thường niên của Hiệp hội Quốc gia về Kinh tế Doanh nghiệp (NABE) vào thứ Hai (21/3) và sẽ có bài phát biểu tiếp theo vào thứ Tư (23/3).
Nhiều ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang tăng lãi suất và Fed là một trong những đơn vị mới đây nhất có hành động đó. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hôm thứ Sáu (18/3) vẫn duy trì chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn và giữ lãi suất ổn định, đồng thời cảnh báo về những rủi ro gia tăng từ cuộc khủng hoảng Ukraine đối với sự hồi phục của nền kinh tế vốn rất nhạy cảm này.
Sự chênh lệch lãi suất gia tăng giữa ngân hàng Mỹ và Nhật Bản đã khiến đồng yen suy yếu xuống mức gần thấp nhất 6 năm so với USD, mặc dù yen vốn là đồng tiền trú ẩn an toàn.
Đồng yên Nhật ngày 21/3 có lúc giảm xuống 119,40, thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2016, sau đó hồi phục vào cuối phiên, kết thúc ngày tăng 0,06% so với đồng bạc xanh, ở mức 119,12 JPY/USD.
Không riêng Nhật Bản, Châu Âu cũng có xu hướng đi con đường khác Fed. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Christine Lagarde, vừa cho biết Fed và ECB cũng sẽ hoạt động không đồng bộ, vì cuộc chiến ở Ukraine có những tác động rất khác nhau đối với nền kinh tế của họ.
Bảng Anh lúc kết thúc ngày 21/3 theo giờ VIệt Nam tăng 0,15% so với USD, lên 1,31956 USD.
Tại Châu Á, các tiền tệ nhìn chung giảm so với USD trong ngày 21/3, giảm mạnh nhất là baht Thái.
Tỷ giá tiền tệ Châu Á
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin không biến động mạnh trong phiên vừa qua, kết thúc ngày 21/3 theo giờ Việt Nam ở mức 41.000 USD. Trong phiên, có lúc giá tăng lên khoảng 41.600 USD, nhưng có lúc xuống gần 40.500 USD.
Giá Bitcoin trong 24 giờ qua.
Giá vàng tăng trở lại khi khủng hoảng Nga – Ukraine có dấu hiệu tăng nhiệt, thúc đẩy nhu cầu từ phía các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của mình.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 21/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,6% lên 1.931,83 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4 tăng mạnh, thêm 2%, lên 1933,6 USD/ounce, giao dịch trong biên độ 1.917,2 USD và 1.938,6 USD. Các nhà đầu tư trên thị trường vàng theo dõi chặt chẽ diễn biến các cuộc đàm phán hòa bình Moscow-Kyiv.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: "Một đợt leo thang mới trong cuộc xung đột ở Ukraine sẽ thúc đẩy dòng chảy tiền tệ hướng tới tài sản an toàn là vàng, thậm chí là các động thái phòng ngừa lạm phát nếu chúng ta thấy các lệnh trừng phạt kích hoạt một đợt tăng giá hàng hóa khác".
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ nhật (20/3) cho biết Nga và Ukraine đã gần đạt được thỏa thuận về các vấn đề "quan trọng", nhưng nhu cầu đối với các tài sản rủi ro đã giảm và giá dầu bắt đầu tăng nhanh trở lại.
Quỹ giao dịch được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust GLD, cho biết lượng vàng mà họ nắm giữ tăng 0,8% lên 1.082,44 tấn (34.801.411,37 ounce) hôm thứ Sáu (18/3).
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk