Các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm 15% tiêu thụ khí đốt. "Trong một nỗ lực nhằm tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng cho EU, các nước thành viên hôm nay đã đạt được một thỏa thuận chính trị về việc tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15% trong mùa đông này", Hội đồng Bộ trưởng EU ra thông báo vào cuối ngày 26/7.
Tập đoàn Gazprom của Nga ngày 26/7 thông báo tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt chuyển qua đường ống Nord Stream 1. Theo đó, kể từ sáng 27/7, công suất qua đường ống này sẽ giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu mét khối khí/ngày do tập đoàn phải sửa chữa 1 tuabin khác.
Tâm lý e ngại tài sản rủi ro đã thúc đẩy USD đảo chiều tăng trở lại sau 3 phiên giảm trước đó, khi chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi hãng bán lẻ khổng lồ WalMart cho biết họ sẽ giảm giá để giảm hàng tồn kho, và cảnh báo về mức lợi nhuận của mình.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp vào thứ Tư (27/7sự kiện được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ để tìm ra manh mối về xu hướng chính sách sắp tới của ngân hàng trung ương Mỹ, trong bối cảnh quốc gia này đang chật vật với lạm phát cao và nguy cơ suy thoái.
"Các yếu tố chính đang điều khiển thị trường tiền tệ vẫn không có gì thay đổi - đó là các vấn đề về khí đốt ở châu Âu, là sự khác biệt về chính sách giữa Fed, ECB và BOJ, và về việc ngân hàng nào sẽ "diều hâu" h ơn khi phản ứng với thực trạng thị trường hiện nay", ông Huw Roberts, trưởng bộ phận phân tích của Quant Insight cho biết.
"Từ câu chuyện WalMart kiềm chế lợi nhuận do lạm phát tăng cao, bạn có thể suy diễn ra một số tên tuổi khác trong lĩnh vực bán lẻ, và cả các ngành khác trong nền kinh tế rộng lớn để từ đó biết rằng lo lắng về suy thoái kinh tế không phải là không có cơ sở", ông Roberts nói.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 26/7 theo giờ Việt Nam tăng 0,564% lên 107,010, trong đó đồng euro giảm 0,81% xuống 1,0137 USD.
Dữ liệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 7đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, biểu hiện tốc độ tăng trưởng của Mỹ bước vào quý 3 chậm lại.
Thứ Năm (28/7), các nhà đầu tư sẽ nhận được thông tin sơ bộ về tổng sản phẩm quốc nội Mỹ quý 2, và đến thứ Sáu (29/7) Mỹ sẽ công bố dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân – dữ liệu mà Fed thường sử dụng cho các quyết sách của mình.
Nếu 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm, các nhà phân tích sẽ gọi nền kinh tế đó là suy thoái kỹ thuật, mặc dù tuyên bố chính thức về suy thoái từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ - sử dụng một định nghĩa toàn diện hơn - có thể sẽ đến muộn hơn nhiều.
Hôm thứ Hai (25/7), tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, Gazprom cho biết dòng khí đốt đến Đức qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống còn 33 triệu mét khối mỗi ngày từ thứ Tư (27/7), tương đương một nửa dòng chảy trước thời điểm đó.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 26/7 theo giờ Việt Nam cũng giảm 0,9% so với đồng yên Nhật, xuống 138,400 JPY, và giảm 1,04% so với đồng franc Thụy Sĩ, xuống 0,975 EUR.
Đồng yên Nhật tăng 0,12% so với đồng bạc xanh lên 136,52 JPY/USD, trong khi bảng Anh giảm 0,1% xuống 1,203 USD.
Các đồng tiền châu Á khác đồng loạt tăng so với đồng USD trong phiên vừa qua do tác động từ việc USD giảm ở phiên liền trước. Theo đó, won Hàn Quốc tăng 0,3% sau dữ liệu kinh tế Hàn quý 2 mạnh mẽ, mặc dù các nhà đầu tư vẫn thận trọng chuẩn bị tinh thần cho việc Fed sẽ tăng mạnh lãi suất.
Đồng peso của Philippines và đồng baht của Thái Lan lần lượt tăng 0,1% và 0,2%, trong khi đồng ringgit của Malaysia giảm 0,1%.
Nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu nhẹ so với đồng USD trong phiên vừa qua trước khi Mỹ tăng lãi suất và lo ngại kéo dài về tình trạng dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc làm giảm tác động tích cực từ việc Chính phủ nước này đang tung ra các gói kích thích kinh tế. Nhân dân tệ giảm 7 pip trong phiên 26/7, xuống 6,7527 JPY/USD.
Trên thị trường tiền điện tử, bitcoin kết thúc ngày 26/7 theo giờ Việt Nam 5,75% xuống 20.893,93 USD.
Một số chuyên gia tin rằng tình trạng bán tháo tồi tệ nhất của Bitcoin đã kết thúc, nhưng vẫn không ngoại trừ khả năng đồng tiền số sẽ giảm thêm sau động thái siết chặt chính sách tiền tệ của Fed. Cả 2 lần tăng lãi suất gần nhất của Ngân hàng Trung ương Mỹ đều tác động xấu đến tâm lý thị trường. Trong năm nay, giá trị Bitcoin đã bốc hơi khoảng 53%.
"Nếu các nhà đầu tư có thể chấp nhận sự biến động do Fed tác động trong tuần này thì việc Bitcoin vượt mốc 24.000 USD vừa qua không phải đợt tăng chớp nhoáng", Antoni Trenchev, đồng sáng lập tại công ty cho vay tiền điện tử Nexo, cho biết.
Trong khi đó, một số nhận định khá bi quan cho rằng Bitcoin sẽ lao dốc, thậm chí "đáy" có thể ở mức 10.000 USD.
Giá bitcoin ngày 26/7.
Giá vàng bị mắc kẹt trong biên độ hẹp khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và kinh tế thế giới suy thoái kéo dài tác động tích cực, song đồng USD mạnh lên lại cản trở giá vàng hồi phục mạnh.
Giá vàng giao ngay đi ngang vào lúc kết thúc ngày 26/7 giờ Việt Nam, ở mức 1.719,49 USD/ounce; giá vàng giao tháng 8 cũng vững ở 1.719,10 USD.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh do cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt đang rình rập ở châu Âu khiến thị trường luôn canh cánh về rủi ro suy thoái toàn cầu.
"Sự giảm nhẹ lợi suất mà chúng tôi đã thấy là một dấu hiệu tốt cho vàng ... nỗi sợ hãi dai dẳng trên thị trường chứng khoán, các vấn đề địa chính trị và nếu sức ép năng lượng gia tăng, sẽ có nhu cầu mạnh mẽ về nơi trú ẩn an toàn", Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết. Nhưng "Nếu các nhà đầu tư cảm thấy Fed vẫn sẵn sàng đưa ra mức tăng 75 điểm cơ bản nữa vào tháng 9, thì đó sẽ là vấn đề đối với vàng."
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk