Sức khỏe

Uống cà phê như thế nào để bảo vệ trái tim?

Tóm tắt:
  • Uống cà phê vừa phải có lợi, nhưng quá nhiều có thể gây hại cho tim mạch.
  • Nghiên cứu cho thấy uống hơn sáu tách cà phê mỗi ngày tăng 22% nguy cơ bệnh tim.
  • Caffeine kích thích tim và có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp.
  • Người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine mỗi ngày.
  • Uống cà phê thông minh: tránh khi đói, không sau 14h và lắng nghe cơ thể.

Một tách cà phê vào buổi sáng giúp nhiều người tỉnh táo, cải thiện tâm trạng và tăng hiệu suất làm việc.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đã được công nhận, việc tiêu thụ cà phê mỗi ngày ở mức độ cao có thể gây ra những tác động tới sức khỏe tim mạch.

Lạm dụng cà phê tạo gánh nặng cho tim

Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích dữ liệu từ hơn 347.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 37 đến 73 tại Anh, nằm trong cơ sở dữ liệu của Biobank.

Uống cà phê như thế nào để bảo vệ trái tim? - 1

Cần uống cà phê với lượng vừa phải (Ảnh: Getty)

Đây là một hệ thống lưu trữ thông tin y tế, di truyền học và lối sống lớn nhất tại quốc gia này. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê hàng ngày với nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

Kết quả cho thấy, những người uống hơn sáu tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 22% so với những người uống ít hơn hoặc không uống.

Nguy cơ này không phụ thuộc vào yếu tố di truyền hay các thói quen sinh hoạt khác. Đáng chú ý, mối liên hệ giữa lượng caffeine tiêu thụ và các chỉ số tim mạch xấu trở nên rõ ràng hơn khi lượng cà phê vượt ngưỡng cho phép trong thời gian dài.

Tiến sĩ Elina Hyppönen, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Uống cà phê điều độ có thể mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng khi vượt quá giới hạn, caffeine bắt đầu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tim mạch.

Chúng tôi nhận thấy một ngưỡng nguy hiểm bắt đầu xuất hiện từ mức sáu tách cà phê mỗi ngày trở lên".

Vì sao uống nhiều cà phê lại hại tim?

Caffeine là hoạt chất chính trong cà phê, có khả năng kích thích hệ thần kinh trung ương. Khi vào cơ thể, caffeine làm tăng nồng độ adrenaline - một loại hormone giúp cơ thể phản ứng nhanh hơn trong các tình huống khẩn cấp, đồng thời khiến tim đập nhanh và mạnh hơn.

Đây là lý do khiến nhiều người cảm thấy tỉnh táo, thậm chí "phấn chấn" sau khi uống cà phê. Tuy nhiên, nếu trạng thái này kéo dài liên tục mỗi ngày, trái tim sẽ phải làm việc nhiều hơn mức cần thiết, lâu dần có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp và suy tim.

Ngoài ra, caffeine còn có thể gây co thắt mạch máu và làm tăng áp lực máu trong lòng động mạch.

Ở người có sẵn yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, béo phì, căng thẳng mạn tính hoặc di truyền bệnh tim, việc tiêu thụ lượng lớn cà phê có thể trở thành "giọt nước tràn ly", đẩy nhanh quá trình tiến triển bệnh.

Không ít người có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực hoặc bồn chồn sau khi uống cà phê. Đó chính là dấu hiệu cho thấy cơ thể phản ứng tiêu cực với caffeine, đặc biệt là khi sử dụng với liều lượng cao hoặc vào thời điểm không phù hợp như buổi chiều tối.

Bao nhiêu cà phê là vừa đủ?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), người trưởng thành khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine mỗi ngày, tương đương khoảng ba đến bốn tách cà phê pha thông thường.

Tuy nhiên, mức chịu đựng caffeine ở mỗi người là khác nhau. Với người có thể trạng yếu, rối loạn giấc ngủ, phụ nữ mang thai hoặc người mắc bệnh tim mạch, ngưỡng an toàn có thể thấp hơn rất nhiều.

Một điều đáng chú ý là không phải ai cũng nhận ra mình đã vượt ngưỡng caffeine mỗi ngày, bởi ngoài cà phê, chất này còn có trong trà, nước tăng lực, một số loại thuốc cảm. Vì vậy, cần tính toán tổng lượng caffeine tiêu thụ từ tất cả nguồn thực phẩm trong ngày, không chỉ riêng cà phê.

Uống cà phê thế nào để bảo vệ trái tim?

Thay vì loại bỏ hoàn toàn cà phê - điều không cần thiết nếu bạn khỏe mạnh và uống ở mức độ vừa phải - lời khuyên là hãy sử dụng cà phê một cách thông minh.

Nên tránh uống cà phê khi đang đói, vì sẽ kích thích dạ dày tiết nhiều axit, làm tăng nguy cơ viêm loét. Không uống cà phê sau 14h để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ - yếu tố có liên hệ trực tiếp đến sức khỏe tim mạch.

Hãy lắng nghe cơ thể của bạn. Nếu sau khi uống cà phê, bạn cảm thấy hồi hộp, bồn chồn, tim đập nhanh hay mất ngủ kéo dài, đó là dấu hiệu nên giảm lượng tiêu thụ, hoặc chuyển sang loại cà phê ít caffeine (decaf).

Ngoài ra, hạn chế sử dụng cà phê hòa tan có nhiều đường, kem hoặc chất tạo ngọt nhân tạo cũng là cách để giảm áp lực cho tim và hệ tuần hoàn.

Các tin khác

Miền Bắc tăng nhiệt mạnh

Hôm nay (2/4), miền Bắc chỉ còn rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, ấm áp, nhiệt độ cao nhất khoảng 24-27 độ. Trong hai ngày 3-4/4, nền nhiệt tiếp tục tăng ở miền Bắc. Các khu vực khác hôm nay ít mưa, riêng Nam Bộ có mưa dông trái mùa.

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (31/3), miền Bắc vẫn đang trong đỉnh điểm đợt rét lần này với nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 12-15 độ, cao nhất 17-20 độ. Dự báo ngày mai, trời tiếp tục rét với nền nhiệt tương đương hôm nay. Từ 2/4, nhiệt độ cao nhất lên khoảng 23 độ. Từ 3/4, trời ấm dần, trưa chiều có nắng nhẹ.

Loạt chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 4

Trong tháng 4, một số chính sách mới sẽ có hiệu lực như: thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030; thí điểm làm dự án nhà ở thương mại trên đất nông nghiệp; quy định mới về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước;...